Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh (BAS) hôm 23/1 cho biết sự hình thành của tảng băng trôi mới này là một quá trình tự nhiên đã được dự đoán từ trước, chứ không phải do biến đổi khí hậu vốn đang đẩy nhanh tốc độ mất băng biển ở Bắc Cực và một phần Nam Cực.
Tảng băng rộng tới 1.550 km2 - lớn gấp đôi thành phố New York của Mỹ - tách hoàn toàn khỏi thềm băng Brunt dày 150 m sau hơn một thập kỷ, tính từ khi các nhà khoa học phát hiện ra vết nứt lớn đầu tiên được gọi là Chasm-1 vào năm 2012.
Các nhà khoa học Anh tại trạm nghiên cứu Halley VI giám sát tình trạng của thềm băng Brunt hàng ngày, nhưng may mắn không có ai bị ảnh hưởng trong vụ việc.
Cơ sở nghiên cứu di động của họ đã được di dời vào đất liền vì lý do an toàn vào năm 2016-2017 khi các vết nứt trên băng có khả năng xé toạc nó. Kể từ đó, các nhân viên của BAS chỉ đến trạm nghiên cứu Halley trong mùa hè ở Nam Cực từ tháng 11 đến tháng 3.
Hiện có tất cả 21 nhà nghiên cứu đang làm việc tại địa điểm. Họ duy trì các nguồn cung cấp năng lượng và cơ sở vật chất để các thí nghiệm khoa học hoạt động từ xa trong suốt mùa đông, khi trời tối trong 24 giờ và nhiệt độ xuống dưới âm 50 độ C.
"Các nhóm nghiên cứu và vận hành của chúng tôi tiếp tục theo dõi thềm băng trong thời gian thực để đảm bảo an toàn và duy trì công việc khoa học mà chúng tôi đảm nhận tại Halley", Dominic Hodgson, nhà nghiên cứu về sông băng từ BAS, cho biết.
Theo Giáo sư Dame Jane Francis, Giám đốc BAS, công việc đo đạc thềm băng được thực hiện nhiều lần trong ngày bằng cách sử dụng mạng lưới tự động gồm các thiết bị GPS có độ chính xác cao bao quanh trạm nghiên cứu. Những thứ này đo lường mức độ biến dạng và di chuyển của thềm băng, đồng thời so sánh với các hình ảnh vệ tinh từ NASA, Cơ quan Vũ trụ châu Âu và vệ tinh TerraSAR-X của Đức.
Đoàn Dương (Theo AFP)