Thiên thạch nặng hơn 7 kg là một trong 5 viên đá được thu thập bởi các nhà nghiên cứu trong chuyến đi Nam Cực hồi tháng 12/2022. "Nhắc tới thiên thạch, kích thước không hẳn là quan trọng. Ngay cả vi thiên thạch nhỏ xíu cũng cực kỳ giá trị về mặt khoa học. Nhưng tất nhiên, việc tìm thấy thiên thạch lớn như vậy rất hiếm gặp và thực sự thú vị", Maria Valdes, nhà khoa học nghiên cứu ở Bảo tàng Field, chia sẻ.
Valdes ước tính có khoảng 45.000 thiên thạch được tìm thấy ở Nam Cực trong thế kỷ qua, nhưng chỉ có khoảng 100 viên đá lớn cỡ 7,6 kg trở lên. Phát hiện khác thường khiến các nhà nghiên cứu vô cùng phấn khởi.
Valdes và cộng sự thử một kỹ thuật mới là sử dụng ảnh vệ tinh để phát hiện khu vực thiên thạch rơi. Theo Vinciane Debaille, sinh viên Đại học Bruxelles, thực tế trên nền đất khó khăn hơn nhiều so với vẻ đẹp của ảnh vệ tinh. Dù tháng 2 ở Nam Cực là thời gian mùa hè, các thành viên tham gia chuyến thám hiểm vẫn phải đương đầu với nhiệt độ lạnh giá và những lần đi bộ hoặc chạy xe trượt tuyết kéo dài.
Các thiên thạch sẽ được chuyển tới Viện Khoa học Tự nhiên Hoàng gia Bỉ để nghiên cứu. "Mẫu vật thiên thạch càng lớn, chúng tôi càng có cơ hội hiểu rõ hơn về hệ Mặt Trời", Valdes nói.
Nhiều nhà khoa học trên khắp thế giới tới Nam Cực hàng năm để tìm thiên thạch. Do thiên thạch có màu đen nên chúng trở nên nổi bật trên lớp băng trắng xóa của Nam Cực. Những hợp chất hữu cơ trong thiên thạch được bảo quản nguyên vẹn nhờ khí hậu lạnh, khô ở đây.
An Khang (Theo Cnet)