Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Plos One hôm 18/1 cho biết ít nhất 92 tổ chứa 256 quả trứng khủng long hóa thạch có niên đại cách đây khoảng 66 triệu năm đã được khai quật tại hệ tầng Lameta ở huyện Dhar, bang Madhya Pradesh, miền trung Ấn Độ, biến nó trở thành một trong những bãi ấp trứng khủng long lớn nhất trên thế giới.
Những quả trứng có đường kính từ 15 đến 17 cm, được cho là thuộc về một số loài khủng long ăn cỏ khổng lồ. Số lượng trứng trong mỗi tổ dao động từ 1 đến 20 quả, trong đó nhiều tổ được tìm thấy gần nhau, điều này gợi ý rằng khủng long bố mẹ đã không ở lại để chăm sóc trứng.
"Chúng tôi nghĩ rằng những con khủng long chân thằn lằn như Titanosaur sống theo bầy đàn dựa trên dấu chân và đường đi hóa thạch. Có vẻ chúng cũng làm tổ với nhau giống như một số loài chim. Tuy nhiên, việc đẻ trứng dày đặc thường không phải là chiến lược liên quan đến sự chăm sóc của khủng long bố mẹ", Tiến sĩ Susannah Maidment từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên (NHM), đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.
Tác giả chính Guntupalli Prasad, nhà cổ sinh vật học thuộc Khoa địa chất tại Đại học Delhi, giải thích thêm rằng những chiếc tổ nằm gần nhau khiến khủng long bố mẹ với kích thước khổng lồ khó di chuyển để ấp trứng hoặc cho con non ăn, vì chúng dễ làm vỡ trứng và giẫm đạp lên con non.
Tiến sĩ Darla Zelenitsky, Phó giáo sư cổ sinh vật học khủng long tại Đại học Calgary ở Canada, nhấn mạnh việc tìm thấy một số lượng lớn tổ trứng khủng long như vậy là điều rất hiếm thấy, vì nó đòi hỏi điều kiện bảo quản hoàn hảo. Bãi ấp ở hệ tầng Lameta nhiều khả năng đã bị chôn vùi bởi dung nham trong một sự kiện phun trào núi lửa được gọi là "bẫy Deccan".
Đoàn Dương (Theo CNN/NHM)