Bản tin các nhà khoa học nguyên tử (BAS) sẽ tổ chức cuộc họp ảo vào 22h ngày 24/1 theo giờ Hà Nội để công bố vị trí kim phút của đồng hồ ngày tận thế năm 2023. Cuộc họp sẽ có sự góp mặt của nhiều diễn giả từ BAS và các thành viên của Elders, tổ chức độc lập của những nhà lãnh đạo toàn cầu do cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela thành lập vì hòa bình, công lý và quyền con người.
Hiện nay, đồng hồ ngày tận thế đang dừng ở mốc 100 giây trước nửa đêm. Đồng hồ ngày tận thế được giới thiệu lần đầu tiên khi bắt đầu Chiến tranh Lạnh vào năm 1947 và cài ở mốc 7 phút trước nửa đêm. Mỗi năm, các thành viên của Hội đồng Khoa học và An ninh thuộc (BAS) sẽ điều chỉnh thời gian để phản ánh những sự kiện của năm ngoái đẩy nhân loại tới gần hay ra xa nguy cơ hủy diệt. Đồng hồ ngày tận thế ngày nay được dùng để cảnh báo mối đe dọa với thế giới đến từ tất cả vũ khí hủy diệt hàng loạt, sự tàn phá môi trường, biến đổi khí hậu,...
Lần đồng hồ chạy xa nhất khỏi mốc nửa đêm (12 giờ đêm) là năm 1991 sau khi Mỹ và Liên bang Xô Viết ký Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược để giảm số lượng vũ khí hạt nhân. Vào thời điểm đó, đồng hồ được cài cách nửa đêm 17 phút. Từ sau đấy, kim phút của đồng hồ đều đặn nhích dần về phía trước. Mối đe dọa từ biến đổi khí hậu lần đầu tiên được BAS xác định là một yếu tố quyết định vị trí kim đồng hồ vào năm 2007, khi đồng hồ cách mốc nửa đêm 5 phút thay vì 7 phút như trước đó.
Năm 2020, đồng hồ đặt ở mốc 100 giây trước nửa đêm, mốc gần nhất từ trước tới nay. "Chiến tranh hạt nhân có thể kết thúc nền văn minh là một khả năng thực sự. Chúng ta không thể phủ nhận biến đổi khí hậu đang xảy ra và có thể tàn phá hành tinh", John Mecklin, biên tập viên của BAS, cho biết.
Trong hai năm qua, đồng hồ vẫn dừng ở 100 giây trước mốc 12 giờ đêm. Các chuyên gia đang chờ xem liệu những sự kiện năm ngoái bao gồm lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu tăng lên và chiến tranh Nga – Ukraine có ảnh hưởng tới kim phút của đồng hồ ngày tận thế hay không.
An Khang (Theo Newsweek)