Công viên tiểu bang Calvert Cliffs ở Maryland, nằm trên bờ biển phía đông nước Mỹ, nổi tiếng là một trong những điểm nóng để tìm kiếm hóa thạch, nhưng khám phá gần đây về răng cá mập Megalodon vẫn khiến các nhà khoa học kinh ngạc không chỉ vì kích thước khổng lồ mà còn bởi nó được phát hiện bởi một cô bé mới 9 tuổi, Live Science hôm 16/1 đưa tin.
Molly Sampson đến từ thành phố Prince Frederick đã tìm thấy mẫu vật khi cùng bố và chị gái săn tìm hóa thạch trên bãi biển Calvert. "Cháu lội nước ngập sâu đến đầu gối và nhìn thấy một thứ gì đó to lớn. Nó trông giống như một chiếc răng cá mập", Molly kể lại.
Khi lấy chiếc răng lên khỏi mặt nước, Molly không khỏi kinh ngạc và vui mừng khi nhận ra nó lớn như thế nào. Mẫu vật dài tới 13 cm và rộng bằng bàn tay.
Gia đình Sampsons đã mang phát hiện thú vị này đến Bảo tàng Hàng hải Calvert, nơi người phụ trách cổ sinh vật học Stephen Godfrey xác nhận đó thực sự là răng của một con Megalodon, loài cá mập lớn nhất lịch sử sống cách đây khoảng 23 triệu năm.
Godfrey lưu ý rằng thường chỉ có 5 đến 6 chiếc răng Megalodon có kích thước tương đương được phát hiện dọc theo công viên tiểu bang Calvert Cliffs mỗi năm.
"Có những người dành cả đời nhưng không tìm thấy một chiếc răng nào lớn như mẫu vật mà Molly đã tìm thấy. Đó là phát hiện để đời", nhà nghiên cứu chia sẻ.
Megalodon luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với con người vì chúng từng là động vật săn mồi đứng đầu chuỗi thức ăn đại dương trong hàng triệu năm. Godfrey cho rằng vùng biển ngoài khơi Calvert Cliffs từng là nơi sinh sống của nhiều cá voi và cá heo, cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho cá mập Megalodon.
Vì răng cá mập tạo thành từ men cứng và được thay thế trong suốt cuộc đời nên chúng là hóa thạch động vật có xương sống phong phú nhất cho đến nay.
Godfrey hy vọng phát hiện của Molly sẽ giúp truyền cảm hứng cho những đứa trẻ khác, đặc biệt là các bé gái, theo đuổi đam mê khoa học. Bản thân Molly cũng mong muốn trở thành một thành cổ sinh vật học trong tương lai.
Đoàn Dương (Theo CNN)