Các nhà khoa học đã dành hơn 2 thế kỷ để tìm hiểu tại sao mặt băng lại trơn, cũng như nguyên nhân tạo ra lớp chất lỏng hình thành trên bề mặt của băng. Tuy nhiên tới nay, mới chỉ có các giả thuyết khác nhau được đưa ra.
Trong đó, bao gồm các nhà khoa học, nhà nghiên cứu nổi tiếng, như Michael Faraday, James Thomson, Osborne Reynolds và Philip Browden.
Cụ thể, Michael Faraday đã nêu ra nguyên tắc về tính chất trơn trượt của băng là do hiện tượng tan chảy ở lớp bề mặt. Trong khi đó, giả thuyết của Thomson cho rằng sự nóng chảy dần dần ở bề mặt của băng được gây ra bởi áp suất. Cũng có ý kiến cho rằng tính chất này được gây ra bởi ma sát.
Nhìn chung, các ý kiến đều cho rằng sự kết hợp giữa các yếu tố mang lại cho bề mặt băng một lớp trơn trượt đặc biệt và gần như không chịu tác động từ bên ngoài. Tuy nhiên, không ai lý giải được cách thức chúng hoạt động ra sao, và chịu ảnh hưởng bởi yếu tố nào.
Mới đây, một nghiên cứu từ Đại học Complutense, Madrid (Tây Ban Nha) đã xác nhận rằng sở dĩ băng trơn là do một "lớp trơn trượt" luôn tồn tại trên bề mặt.
Dựa trên những tìm hiểu của Michael Faraday và các nhà khoa học tiên phong, nhóm nghiên cứu khẳng định việc "bôi trơn" xảy ra trên bề mặt băng là khi áp suất tăng lên, đã khiến cho chất bôi trơn bị đẩy về phía bề mặt và tiếp xúc với môi trường ngoài.
Sự tồn tại của lớp này rốt cuộc làm cho băng trơn hơn, dẫn đến nhiều khả năng gây ra tai nạn liên quan đến trượt ngã, hoặc tai nạn xe cộ.
Để đi đến kết luận nêu trên, các nhà khoa học đã sử dụng mô phỏng máy tính để phân tích chuyển động của các vật thể rắn trên bề mặt băng ở cấp độ nguyên tử, tương đương với 1 phần tỷ mét.
Luis González MacDowell, nhà nghiên cứu của dự án, nhấn mạnh tầm quan trọng của phát hiện nêu trên, đồng thời cho rằng những hiểu biết sâu rộng về mặt băng có thể giúp cải thiện thành tích của các vận động viên Olympic, cũng như đảm bảo an toàn cho phương tiện trong mùa đông.