LKAB đang gấp rút tìm hiểu mỏ quặng mới phát hiện mang tên Per Geijer, nằm bên cạnh mỏ Kiruna của công ty ở Lapland, New Atlas hôm 12/1 đưa tin. Kiruna là mỏ quặng sắt dưới lòng đất lớn và hiện đại nhất trên thế giới.
Hiện nay, ở châu Âu không có hoạt động khai thác mỏ đất hiếm. Ngành công nghiệp này hoàn toàn do Trung Quốc chiếm lĩnh khi sản xuất 61% nguồn cung cấp đất hiếm trên thế giới, theo Mining Technology. Mỹ xếp thứ hai với chỉ 15% thị phần.
Có 17 nguyên tố đất hiếm với giá trị cao nhờ từ tính và khả năng dẫn điện, nhưng quan trọng nhất hiện nay là neodymium, thường dùng trong hợp kim với boron và sắt để tạo thành nam châm vĩnh cửu mạnh nhất thế giới. Những nam châm này luôn trong nhu cầu cao do dùng nhiều trong motor điện.
Neodymium và các nguyên tố đất hiếm khác rất cần thiết trong hàng loạt sản phẩm công nghệ, bao gồm điện thoại thông minh, pin mặt trời, turbine gió và màn hình máy tính. Mining Technology ước tính mỗi bộ pin điện sử dụng khoảng một kilogram đất hiếm. Mỗi turbine gió sử dụng khoảng 600 kg đất hiếm. Tương tự lithium, nhu cầu đối với các nguyên tố đất hiếm sẽ tăng vọt trong những thập kỷ tới.
Mỏ Per Geijer với trữ lượng trên triệu tấn là mỏ đất hiếm lớn nhất trong lịch sử châu Âu. LKAB hy vọng có thể bắt đầu khai thác sớm hết mức có thể. Nhưng công ty cho biết quá trình xin cấp phép hiện nay sẽ ngăn họ cung cấp vật liệu thô cho thị trường trong ít nhất 10 – 15 năm.
Mỏ đất hiếm lớn nhất thế giới là mỏ Bayan Obo ở Nội Mông, phía bắc Trung Quốc. Mỏ này bắt đầu hoạt động từ năm 1957 và chứa khoảng 40 triệu tấn đất hiếm.
"Đây là tin tức tốt không chỉ với LKAB, khu vực mà cả châu Âu và khí hậu toàn cầu", Jan Moström, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành LKAB, cho biết. "Mỏ đất hiếm này có thể là yếu tố quan trọng giúp sản xuất vật liệu thô thiết yếu cho phép chuyển sang công nghệ xanh. Nếu không có mỏ đất hiếm, có thể xe điện sẽ không tồn tại".
An Khang (Theo New Atlas)