Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) và chương trình giám sát môi trường châu Âu Copernicus trong tuần này đã công bố các đánh giá tương ứng về tiến trình của biến đổi khí hậu trong năm 2022, cho thấy nhiệt độ trung bình toàn cầu tiếp tục gia tăng.
Theo báo cáo, 2022 là năm nóng thứ 5 từng được được ghi nhận, trong đó một số nơi trên thế giới như Tây Âu, Trung Đông, Trung Á, Trung Quốc và Tây Bắc Phi thậm chí trải qua tháng 12 nóng nhất lịch sử.
Điều tồi tệ hơn là nồng độ khí nhà kính trong bầu khí quyển của Trái Đất đã đạt mức cao mới vào năm ngoái, trong khi hai vùng cực tiếp tục nóng lên với tốc độ chóng mặt.
NASA cho biết tất cả những năm nóng nhất được ghi nhận đều xảy ra kể từ năm 2010. "Khi bạn nhìn vào 9 năm trong 10 năm qua, đó là những năm nóng nhất trong lịch sử hiện đại kể từ khi việc ghi chép kỷ lục bắt đầu vào năm 1880, và điều đó thật đáng báo động", Tổng giám đốc NASA Bill Nelson nói trong cuộc họp báo hôm 12/1. "Nếu chúng ta không xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc và có một số hành động thực sự để giảm thiểu xu hướng, thì sẽ có những tác động chết người trên toàn cầu".
Vào năm 2022, hành tinh xanh ấm hơn trung bình khoảng 1,1 độ C so với cuối thế kỷ 19, chỉ thấp hơn 0,4 độ C so với ngưỡng mà cộng đồng khoa học khí hậu toàn cầu đặt ra như một cột mốc để ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng và khó lường đối với môi trường. Theo Copernicus, năm 2022 cũng ấm hơn 0,3 độ C so với mức trung bình vốn đã cao trong giai đoạn 1991 đến 2020.
Russel Vose, một nhà khoa học vật lý của NOAA, lưu ý thêm rằng tốc độ tăng nhiệt trong 50 năm qua nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trong hai thiên niên kỷ qua.
2022 là một trong những năm nóng nhất, ngang bằng với 2015, bất chấp thực tế là hiệu ứng La Niña chi phối vùng nhiệt đới Thái Bình Dương. Trong những năm xảy ra La Niña, nhiệt độ nước bề mặt ở các khu vực phía đông của trung tâm Thái Bình Dương giảm xuống, dẫn đến điều kiện thời tiết ẩm ướt và mát mẻ hơn trên khắp các khu vực rộng lớn của thế giới.
Trong khi đó, năm 2015 là một năm El Niño (hiện tượng thời tiết trái ngược với La Niña), với nhiệt độ nước bề mặt Thái Bình Dương ấm hơn, dẫn đến điều kiện thời tiết khô hơn và ấm hơn trên toàn cầu.
"Các nhà khoa học ước tính ảnh hưởng làm mát của La Niña có thể đã giảm nhẹ nhiệt độ toàn cầu khoảng 0,06 độ C so với mức trung bình trong điều kiện đại dương điển hình hơn", NASA cho biết trong tuyên bố.
Đoàn Dương (Theo Space)