SpaceX dựng tên lửa Starship khổng lồ vào đầu tuần nay, đặt tàu vũ trụ Ship 24 trên tầng đầu tiên mang tên Booster 7 ở cơ sở Starbase gần thành phố Brownsville phía nam Texas. Tổng cộng, bộ đôi Ship 24 - Booster 7 cao khoảng 120 m, lớn hơn tên lửa Mặt Trăng Saturn V và Hệ thống phóng không gian (SLS) mới của NASA dùng trong nhiệm vụ Artemis 1. Starship đủ lớn để có thể nhìn thấy từ quỹ đạo bằng những vệ tinh có độ phân giải cao. Công ty hàng không Airbus ở châu Âu hôm 12/1 chia sẻ ảnh chụp hệ thống Starship chụp bằng vệ tinh Pléiades Neo của công ty.
Airbus hiện nay vận hành hai tàu vũ trụ chụp ảnh Trái Đất Pléiades Neo có thể chụp những vật thể nhỏ tới 30 cm từ quỹ đạo thấp của Trái Đất. Công ty đã đưa thêm hai vệ tinh Pléiades Neo nữa lên quỹ đạo vào tháng 12/2022 nhưng bị thất lạc do tên lửa Vega C của Arianespace Vega C phóng hỏng.
SpaceX cũng chia sẻ ảnh Starship hôm 12/1 chụp ở gần mặt đất hơn. Các bức ảnh hé lộ phương tiện bằng thép không gỉ và tháp phóng "Mechazilla" khổng lồ nhô lên qua những đám mây thấp ở Starbase. SpaceX đang chuẩn bị Ship 24 và Booster 7 cho thử nghiệm phóng lên quỹ đạo. Thử nghiệm quan trọng này có thể cất cánh sớm nhất vào cuối tháng 2 năm nay, theo nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành SpaceX Elon Musk.
Tuy nhiên, Starship sẽ được tháo rời trước khi buổi phóng diễn ra. SpaceX muốn tiến hành thử nghiệm lửa tĩnh toàn bộ 33 động cơ với Booster 7 và thử nghiệm đó sẽ diễn ra mà không kèm theo Ship 24. Trong thử nghiệm lửa tĩnh, động cơ sẽ hoạt động với thời gian ngắn lúc khi phương tiện được neo trên nền đất.
Giống như Booster 7, Ship 24 cũng hoạt động nhờ động cơ Raptor thế hệ mới của SpaceX. Ship 24 đã khai hỏa cả 6 động cơ Raptor trong thử nghiệm lửa tĩnh vào tháng 9/2022. Các thử nghiệm lửa tĩnh trước đây của Booster 7 chưa bao giờ gồm nhiều hơn 14 động cơ.
Thử nghiệm phóng lên quỹ đạo sẽ đánh dấu lần cất cánh đầu tiên của Starship trong gần 2 năm. Lần gần nhất Starship phóng bao gồm nguyên mẫu tầng trên SN15 trang bị 3 động cơ, bay lên độ cao 10 km trên bầu trời Texas hồi tháng 5/2021 và hạ cánh thành công trên mặt đất.
An Khang (Theo Space)