Tháng 5/1845, hai con tàu dưới sự chỉ huy của John Franklin khởi hành từ Anh đi tìm kiếm Hành lang Tây Bắc nằm giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trên hành trình nguy hiểm này, Franklin và thủy thủ đoàn 128 người biến mất một cách bí ẩn. Đến năm 2014, các nhà khảo cổ Canada mới phát hiện xác của một trong hai con tàu, HMS Erebus, tại vùng biển băng giá gần đảo King Williams ở Nunavut, lãnh thổ cực bắc của Canada. Họ tìm thấy xác con tàu còn lại, HMS Terror, gần đó vào năm 2016.
Covid - 19 khiến việc thám hiểm xác tàu bị trì hoãn, nhưng sau đó các nhà khảo cổ đã trở lại khu vực này. Họ mang lên tổng cộng 275 cổ vật từ tàu Erebus trong năm 2022, Smithsonian hôm 6/1 đưa tin.
Với 56 lần lặn trong hơn 11 ngày, nhóm nhà khảo cổ tại Cơ quan Công viên Quốc gia Canada đã trục vớt một tấm da chạm khắc, kính đeo mắt, cầu vai, bát đĩa, các dụng cụ vẽ và đo lường cùng nhiều vật dụng khác. Nhóm chuyên gia đang nghiên cứu và bảo quản các cổ vật tại phòng thí nghiệm của Cơ quan Công viên Quốc gia Canada ở Ottawa.
Kể từ khi tìm thấy hai xác tàu, các nhà khảo cổ đã tập trung hơn vào HMS Erebus - con tàu dễ bị hư hại hơn. HMS Terror nằm sâu hơn dưới nước và có vẻ an toàn.
Sau đại dịch, vào tháng 4 và tháng 5 năm ngoái, nhóm chuyên gia quay trở lại địa điểm lưu giữ xác tàu Erebus. Họ dựng trại phía trên, kiểm tra và thu thập dữ liệu về con tàu bằng phương tiện điều khiển từ xa Deep Trekker. Tháng 9, các nhà khảo cổ trở lại với tàu nghiên cứu RV David Tompson và sà lan hỗ trợ Qiniqtirjuaq. Trong nhiệm vụ này, họ có thể lặn dưới nước tới hai tiếng nhờ bộ đồ lặn được làm ấm bằng nước nóng.
Nhóm chuyên gia cũng ghi nhận những thay đổi vật lý của xác tàu so với hai năm trước mà nhiều khả năng do bão gây ra. Các nhà chức trách nghi ngờ biến đổi khí hậu có thể dẫn đến lớp băng bao phủ sụt giảm và sóng biển gia tăng, khiến xác tàu xuống cấp nhanh hơn.
"Chìm dưới một trong những môi trường biển độc đáo và nhạy cảm nhất hành tinh, xác tàu HMS Erebus và HMS Terror cũng nằm trong số những xác tàu gỗ được bảo tồn tốt nhất thế giới. Hoạt động nghiên cứu khảo cổ tại chỗ tiếp tục giúp nâng cao hiểu biết về ảnh hưởng của sự thay đổi khí hậu đến khu vực, giúp chúng ta bảo tồn và bảo vệ các di sản văn hóa và thiên nhiên không thể thay thế", Steven Guilbeault, Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada, cho biết.
Thu Thảo (Theo Smithsonian)