Thời điểm hồi quyển của ERBS - vệ tinh nặng 2.450 kg đã dừng hoạt động của NASA - có thể sớm hoặc muộn 17 tiếng so với giờ dự đoán. "NASA ước tính phần lớn vệ tinh sẽ cháy rụi khi lao qua khí quyển, nhưng một số bộ phận vẫn vượt qua được quá trình hồi quyển. Nguy cơ gây hại cho con người trên Trái Đất rất thấp - khoảng 1/9.400", các quan chức NASA cho biết hôm 6/1.
ERBS nằm trong nhiệm vụ của NASA mang tên Thí nghiệm Kho Bức xạ Trái Đất gồm ba vệ tinh, phóng lên quỹ đạo Trái Đất thấp nhờ tàu con thoi Challenger năm 1984. ERBS sử dụng ba công cụ khoa học để nghiên cứu cách hành tinh xanh hấp thụ và phát xạ năng lượng Mặt Trời. Vệ tinh được thiết kế để hoạt động trong hai năm nhưng vẫn hoạt động được đến năm 2005, sau đó trở thành một khối rác vũ trụ lớn. Kể từ đó, lực kéo khiến nó dần hạ thấp độ cao.
Trước chuyến hồi quyển của ERBS, một số vụ hồi quyển khác dữ dội hơn cũng đã diễn ra. Ví dụ, năm 2022, hai lõi tên lửa Trường Chinh 5B nặng khoảng 21 tấn của Trung Quốc đã rơi trở lại Trái Đất mà không có kiểm soát. Hai sự kiện này lần lượt xảy ra vào tháng 7 và tháng 11, khoảng một tuần sau khi hai tên lửa giúp phóng các module mới lên trạm vũ trụ Thiên Cung.
Tầng thứ nhất của các tên lửa quỹ đạo khác thường được điều khiển để tự hủy có kiểm soát ngay sau khi phóng, hoặc hạ cánh an toàn và tái sử dụng trong tương lai, ví dụ tên lửa đẩy của SpaceX. Vì vậy, việc lõi tên lửa Trường Chinh 5B rơi không kiểm soát đã vấp phải nhiều chỉ trích.
ERBS là một trường hợp khác vì đã ở trên cao gần 4 thập kỷ. Tuy nhiên, chuyến hồi quyển của vệ tinh này vẫn là lời nhắc nhở rằng quỹ đạo Trái Đất chứa đầy rác vũ trụ, gây ra mối đe dọa lớn khi ngày càng có nhiều vệ tinh phóng lên.
Thu Thảo (Theo Space)