Từ lâu, các nhà cổ sinh vật học đã có thể khẳng định rằng chim chính là hậu duệ của loài khủng long thời tiền sử. Dẫu vậy, sự kiện tiến hóa này xảy ra thế nào vẫn còn là một bí ẩn.
Giờ đây, hóa thạch hoàn chỉnh của một loài chim sống ở Trung Quốc từ khoảng 120 triệu năm trước có thể sẽ là câu trả lời mà chúng ta đang tìm kiếm.
Theo đó, hóa thạch thuộc về loài chim có tên Cratonavis được tìm thấy trong điều kiện lý tưởng, sở hữu cấu trúc hộp sọ kỳ quặc, nhưng khung xương của cơ thể lại hoàn toàn thuộc về loài chim.
Bằng cách kiểm tra hộp sọ hóa thạch bằng phương pháp chụp cắt lớp vi tính (CT) có độ phân giải cao, các nhà khoa học tại Học viện Khoa học Trung Quốc (CAS) đã tái tạo lại thành công hình dạng và chức năng của hộp sọ trong suốt cuộc đời của loài chim này.
Kết quả cho thấy hình dạng hộp sọ của loài Cratonavis gần giống với khủng long bạo chúa Tyrannosaurus chứ không giống hộp sọ chim.
Dựa trên yếu tố này, Zhiheng Li, một nhà cổ sinh vật học của CAS, cho rằng có thể các loài chim thuộc kỷ Phấn trắng như Cratonavis không thể di chuyển mỏ trên của chúng một cách độc lập khỏi hàm dưới.
Một điều thú vị nữa là hóa thạch của Cratonavis sở hữu xương bả vai dài đáng kinh ngạc, cùng với xương bàn chân, cho thấy chúng đang "nửa đường" tiến hóa thành chim.
Chi tiết này đã khiến Cratonavis trở thành loài mang đặc tính "lai" với bò sát nhiều nhất trong họ chim.
Các nhà khoa học nhận định nhiều khả năng chúng nằm ở giữa hai nhánh của Ornithothoraces và Archaeopteryx, với Ornithothoraces sở hữu nhiều đặc điểm của loài chim hiện đại, còn loài Archaeopteryx vẫn còn giữ phần đuôi dài của bò sát.
Sự kết hợp bất thường giữa hộp sọ của khủng long với bộ xương của chim đã bổ sung cho các nghiên cứu trước đây về tầm quan trọng của thuyết khảm tiến hóa trong quá trình đa dạng hóa ban đầu của các loài chim.
Nghiên cứu cung cấp một mảnh ghép thú vị cho bức tranh tiến hóa, cũng như góp phần tạo nên sự đa dạng sinh thái to lớn của các loài chim hiện đại.