Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC), nhà thầu không gian lớn nhất của đất nước, sẽ thực hiện hơn 50 vụ phóng trong năm 2023.
Báo cáo được trình bày bởi Tổng giám đốc CASC Zhang Zhongyang tại hội nghị nghiên cứu và sản xuất hàng năm ở Bắc Kinh cho biết các chuyến bay theo kế hoạch bao gồm nhiều nhiệm vụ có phi hành đoàn cũng như không phi hành đoàn tới trạm vũ trụ Thiên Cung và chuyến bay đầu tiên của tên lửa đẩy Trường Chinh 6C.
Hầu hết các vụ phóng sẽ được thực hiện bởi dòng tên lửa đẩy Trường Chinh của CASC, trong khi phần còn lại do dòng tên lửa Smart Dragon đảm nhiệm. Ngoài nhiệm vụ phóng tên lửa, tập đoàn cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển tàu thăm dò tiểu hành tinh Thiên Vấn 2 và tàu thăm dò Mặt Trăng Hằng Nga 7.
Nhiệm vụ Thiên Vấn 2 dự kiến được phóng vào khoảng năm 2025 và sẽ triển khai tàu thăm dò trên một tiểu hành tinh được chọn để thu thập mẫu và mang trở về Trái Đất.
Hằng Nga 7 được thiết lập để hạ cánh một tàu vũ trụ tiên tiến xuống cực nam của Mặt Trăng vào khoảng năm 2026 để tìm dấu vết của nước, điều tra môi trường và thời tiết ở đó, đồng thời khảo sát địa hình của thiên thể.
Một doanh nghiệp vũ trụ nhà nước khác là Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC) cũng có kế hoạch phóng thực hiện khoảng 10 vụ phóng vào không gian bằng tên lửa nhiên liệu rắn Kuaizhou 1A và Kuaizhou 11. Nếu mọi thứ diễn ra như dự tính, 2023 sẽ trở thành năm bận rộn nhất đối với dòng tên lửa Kuaizhou.
Tổng cộng, CASC và CASIC sẽ thực hiện khoảng 60 nhiệm vụ không gian trong năm 2023. Năm ngoái, Trung Quốc đã tiến hành 64 lần phóng tên lửa, lập kỷ lục quốc gia về số nhiệm vụ không gian hàng năm.
Kỷ lục năm 2022 bao gồm 53 vụ phóng được thực hiện bởi các tên lửa dòng Trường Chinh. Học viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ Thượng Hải phụ trách 30 chuyến bay, trong khi 23 lần phóng còn lại do Học viện Công nghệ Phương tiện Phóng Trung Quốc thực hiện. Cả hai đều là công ty con của CASC.
Hạm đội Kuaizhou đã thực hiện 5 nhiệm vụ bao gồm cả chuyến bay thành công đầu tiên của mẫu tên lửa Kuaizhou 11. Trong khi đó, CAS Space, một công ty tên lửa có trụ sở tại Bắc Kinh thuộc sở hữu của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, đã thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên của tên lửa ZK 1A vào tháng 7/2022. Mô hình này hiện là tên lửa nhiên liệu rắn lớn nhất và mạnh nhất của đất nước.
Ngoài ra, ba công ty tên lửa tư nhân của Trung Quốc đã thực hiện 4 vụ phóng bằng các mẫu tên lửa của riêng họ vào năm ngoái và hai trong số đó không thành công do trục trặc kỹ thuật.
Đoàn Dương (Theo China Daily)