Được xác định bởi Vệ tinh Khảo sát Ngoại hành tinh Quá cảnh (TESS) của NASA, TOI-778 b là một ví dụ điển hình về "sao Mộc nóng", thuật ngữ chỉ các hành tinh khí khổng lồ tương tự sao Mộc trong hệ Mặt Trời nhưng có sức nóng hủy diệt. Theo nghiên cứu xuất bản trên trang ArXiv, thiên thể đặc biệt này có bán kính gấp 1,4 lần và nặng hơn khoảng 2,9 lần so với sao Mộc, với nhiệt độ bề mặt lên tới 1.227 độ C, đủ để nấu chảy vàng, Space hôm 3/1 đưa tin.
TOI-778 b bay cách ngôi sao chủ TOI-778 của nó khoảng 9 triệu km hay 0,06 đơn vị thiên văn, tức 0,06 lần khoảng cách xấp xỉ từ Trái Đất đến Mặt Trời, gần đến mức chỉ mất 4,6 ngày để hoàn thành một vòng quỹ đạo. Hành tinh dường như đang bị thổi phồng hơn khi so sánh với các sao Mộc nóng khác có cùng khối lượng.
Trong khi đó, TOI-778 là một ngôi sao lùn lớn hơn 71% và nặng hơn 40% so với Mặt Trời. Nó cũng đang quay rất nhanh với tốc độ lên tới 40 km/s. Các nhà thiên văn học từ Đại học Nam Queensland của Australia ước tính ngôi sao khoảng 1,95 tỷ năm tuổi và có nhiệt độ bề mặt dao động từ 6.400 đến 6.500 độ C.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng quỹ đạo TOI-778 b gần như thẳng hàng với đường xích đạo của TOI-778. Điều này cho thấy hành tinh đã đến vị trí hiện tại của nó bằng cách di chuyển nhẹ nhàng qua đĩa của ngôi sao chủ, thay vì thông qua một quá trình hỗn loạn hơn.
"TOI-778 b tham gia vào một nhóm các sao Mộc nóng khác có quỹ đạo được căn chỉnh tốt, cho thấy rằng sự vận động của đĩa là nguyên nhân có thể khiến chúng dịch chuyển đến vị trí hiện tại", tác giả chính của nghiên cứu Jake T. Clark cho biết.
TESS đang khảo sát khoảng 200.000 ngôi sao sáng nhất gần Mặt Trời với mục đích tìm kiếm các ngoại hành tinh bay qua phía trước chúng. Cho đến nay, nó đã phát hiện hơn 6.100 đối tượng tiềm năng, trong đó có 282 hành tinh đã được xác nhận.
Đoàn Dương (Theo Space/Phys)