Con người đã phóng nhiều phương tiện vào không gian sâu trong 50 năm qua, từ khi phóng tàu Pioneer 10 vào năm 1972. Hiện nay, tổng cộng 5 tàu vũ trụ đã bay tới rìa hệ Mặt Trời hoặc sắp tới gần đó, gồm tàu Pioneer 10, Pioneer 11, Voyager 1, Voyager 2 và New Horizons. Phần lớn những tàu thăm dò này đã vượt qua thời gian dự kiến ngừng hoạt động và vận hành rất lâu so với kế hoạch ban đầu. Chúng cung cấp cho các nhà thiên văn học nhiều quan sát độc đáo về không gian và gửi nhiều dữ liệu trong năm 2022.
Tàu Voyager 1 và 2
Nhiệm vụ Voyager kỷ niệm một cột mốc đặc biệt trong năm nay, đó là 45 năm hoạt động. Từ những lần bay gần hành tinh ở rìa hệ Mặt Trời tới khám phá ranh giới xa nhất trong không gian, bộ đôi tàu vũ trụ này đóng góp cực lớn giúp các nhà thiên văn học tăng cường hiểu biết về hệ Mặt Trời. Hiện nay, nhiệm vụ chính của chúng là khám phá nơi ảnh hưởng của Mặt Trời kết thúc. Tàu Voyager 1 đã bay qua nhật quyển năm 2012 và tàu Voyager 2 cũng theo sát năm 2018.
Rìa hệ Mặt Trời chứa đựng đầy bất ngờ. Giới nghiên cứu cho rằng plasma từ Mặt Trời trở nên thưa hơn và tỏa rộng khi dịch chuyển xa khỏi trung tâm hệ, nhưng trên thực tế hai tàu Voyager gặp phải plasma dày đặc hơn nhiều sau khi bay qua nhật quyển. Đó là điều khiến các nhà thiên văn học bối rối.
Tàu Pioneer 10 và 11
Tàu vũ trụ Pioneer giữ vai trò đặc biệt trong lịch sử bởi nhiệm vụ của chúng là tiên phong. Hai con tàu 50 năm tuổi đã ngừng hoạt động, tàu Pioneer 10 mất liên lạc năm 2003 trong khi tàu Pioneer 11 im lặng sau lần liên lạc cuối cùng vào năm 1995. Nhưng cả hai tàu đều đánh dấu sự hiện diện của con người trong hệ Mặt Trời và tiếp tục hành trình trôi nổi của chúng, ngay cả khi không có chỉ đạo và không thể khai hỏa tên lửa nữa. Theo quy luật vật lý, chúng sẽ không ngừng bay cho tới khi bị vật thể nào đó thay đổi hành trình.
Tàu New Horizons
New Horizons là tàu vũ trụ ít tuổi nhất so với các tàu trên khi phóng vào năm 2006. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bay qua sao Diêm Vương vào năm 2015, tàu thăm dò này đang bay xa khỏi hệ Mặt Trời ở tốc độ kỷ lục, dự kiến vượt qua nhật quyển vào khoảng năm 2040. Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ cơ bản, tàu còn thực hiện thành công nhiệm vụ bay qua vật thể ở vành đai Kuiper nhỏ là Arrokoth năm 2019 trong nhiệm vụ mở rộng đầu tiên. Đầu năm nay, tàu vũ trụ được chuyển sang chế độ ngủ đông cho tới ngày 1/3/2023 trước khi bắt đầu nhiệm vụ mở rộng tiếp theo với nhiều quan sát mới.
Bonnie Burrati, nhà khoa học hành tinh ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA kiêm thành viên đội New Horizons, hy vọng có thể tiến hành quan sát những vật thể ở vành đai Kuiper như các khối băng và đá phía ngoài sao Hải Vương. Vị trí độc đáo của New Horizons ở rìa ngoài hệ Mặt Trời sẽ cung cấp nhiều góc quan sát chưa từng có, giúp hé lộ độ thô ráp ở bề mặt vật thể dựa trên ánh sáng phản chiếu. Con tàu cũng sẽ cung cấp kết quả đo ánh sáng nền và tia vũ trụ, theo dõi sự phân bố bụi trong hệ và thu thập thông tin về ảnh hưởng của Mặt Trời, hỗ trợ tàu Voyager. Các dấu hiệu cho thấy con tàu có đủ điện để tồn tại tới thập niên 2040 và lâu hơn. Mỗi năm, New Horizons có thể bay thêm 480 triệu km.
An Khang (Theo Space)