Lá đắng có tên khoa học Vernonia amygdalina Del. dân gian gọi là cây mật gấu - một loại dược liệu dễ trồng, phổ biến ở Việt Nam với trữ lượng lớn. Tác dụng giảm đau, kháng viêm đối với cơ xương khớp của lá đắng đã được chứng minh trên các mô hình thực nghiệm ở nước ngoài là cơ sở khoa học để nhóm ba sinh viên Phạm Huỳnh Thanh Bảo, Phạm Thị Ngọc Anh và Hoàng Thúy Hiền (khoa dược) nghiên cứu thuốc giảm đau từ loại thực vật này.
Tìm hiểu thị trường, nhóm nhận thấy trong nước chưa có chế phẩm giảm đau, kháng viêm từ lá đắng. Kinh nghiệm dân gian sử dụng lá đắng sắc nước uống để chữa bệnh đau cơ xương khớp, nhưng nhóm cho rằng hiệu quả không cao. Theo Thanh Bảo, trưởng nhóm, bào chế viên nén từ lá đắng thuận tiện khi dùng, có tính an toàn, hiệu quả so với sử dụng thuốc tây và kinh nghiệm dân gian. Bởi vì khi dùng thuốc tây điều trị hiệu quả nhanh nhưng có các tác dụng phụ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, tim mạch, thận...
Bắt tay vào nghiên cứu từ tháng 1/2019, ba thành viên nhóm thu hoạch lá đắng ở xung quanh trường và TP Biên Hòa. Lá đắng được phơi, xay, xác định thành phần hóa học. Bột từ lá đắng được nhóm chiết tách trên cao toàn phần, cao phân đoạn và hợp chất flavonoid từ cao ethyl acetat để bào chế viên nén chứa cao lá đắng.
Thử nghiệm trên chuột nhắt trắng, trọng lượng 20 - 30 g, trên cao toàn phần và phân đoạn của lá đắng trong vòng một tuần, cho tác dụng giảm đau, kháng viêm tương đương thuốc paracetamol liều 50 mg/kg và ibuprofen liều 7,5 mg/kg. Hiện nhóm đã bào chế viên nén chứa cao lá đắng.Thành phần thuốc có tỷ lệ 75% cao lá đắng, còn lại nhóm sử dụng một số dược chất, phụ gia để tăng hiệu quả sử dụng.
Theo Bảo, trong hơn 3 năm nghiên cứu công đoạn khó nhất là thử tác dụng giảm đau của cao toàn phần và cao phân đoạn lá đắng trên chuột nhắt trắng. Nếu cao không có hoạt tính thì công trình xem như thất bại. Quá trình này nhóm mất nhiều thời gian thực hiện nhất vì phải chăm sóc chuột, nếu chúng bị chết phải nuôi lại và bắt đầu từ đầu. "Nhóm phải phân chia nhau để cho chuột ăn, uống nước và theo dõi tác dụng của thuốc trên chuột hàng ngày", Bảo nhớ lại.
Với những kết quả ban đầu, Bảo kỳ vọng sản phẩm của nhóm giúp ngành dược thêm một lựa chọn mới trong điều trị giảm đau, kháng viêm ở các bệnh cơ xương khớp. Quy trình của nhóm khá tinh gọn, các thiết bị tương đồng với quy mô sản xuất nên khả năng nâng cấp lên cỡ lô lớn tương đối dễ dàng. Cây lá đắng phổ biến, dễ trồng giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao và phát triển nguồn dược liệu địa phương. Nhóm sẵn sàng chuyển giao công nghệ, đăng ký dưới dạng thực phẩm chức năng bảo vệ sức khẻ góp phần phòng và hỗ trợ điều trị bệnh nhân đau cơ xương khớp. "Tương lai nhóm muốn phát triển sản phẩm thành thuốc nếu có sự hỗ trợ của các bên", Bảo nói.
Theo GS.TS Nguyễn Cửu Khoa, nguyên Viện trưởng Viện công nghệ Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đây là nghiên cứu của sinh viên nhưng khá công phu, bài bản từ công đoạn thu rau đắng, tách chiết, thử nghiệm trên chuột. Theo ông, nghiên cứu của nhóm không phải là công nghệ mới, nhưng công trình này giúp các em có được kỹ năng nghiên cứu làm nền tảng cho những sản phẩm chất lượng hơn.
Ông Khoa cũng chỉ rõ, việc ứng dụng sản phẩm này dưới dạng thuốc cần có quá trình thử nghiệm tiền lâm sàng, lâm sàng để đánh giá trên cơ sở khoa học. "Các em có thể phải bắt đầu lại từ các công đoạn này và đây là quá trình dài cần sự chuẩn bị kỹ", GS Khoa nói.
Sản phẩm thuốc từ cao lá đắng của nhóm vừa giành giải nhì cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka do Thành đoàn phối hợp Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức hồi tháng 11.
Hà An