Giáo sư Nicholas Conard tại Đại học Tübingen cùng các đồng nghiệp phát hiện bằng chứng cho thấy con người từng sử dụng áo khoác lông thú cách đây 300.000 năm, Ancient Origins hôm 29/12 đưa tin. Bằng chứng gồm các vết cắt trên xương bàn chân của gấu hang động (Ursus spelaeus) trong một chiếc hang tại địa điểm khảo cổ từ thời kỳ Đồ Đá Cũ ở Schöningen, Lower Saxony, Đức.
"Phát hiện mới cho thấy động vật không chỉ được dùng làm thực phẩm mà bộ da lông của chúng cũng rất cần thiết để con người tồn tại trong giá lạnh. Việc sử dụng lông gấu có thể là một biện pháp thích nghi quan trọng của người xưa với khí hậu phương bắc", Conard cho biết. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí The Journal of Human Evolution.
Nhà nghiên cứu Ivo Verheijen tại Đại học Tübingen, thành viên nhóm nghiên cứu, giải thích rằng các vết cắt trên xương là dấu hiệu của việc sử dụng thịt. Tuy nhiên, vì không có thịt để khai thác trên xương bàn chân nên những vết cắt đẹp và chính xác như vậy có thể nhằm lột da một cách cẩn thận. Kiểu lột da gấu này mới chỉ được phát hiện ở Boxgrove (Anh) và Bilzingsleben (Đức).
Đây là một trong những bằng chứng cổ xưa nhất về sự chủ động thích nghi của người Homo heidelbergensis với khí hậu phương bắc. Một điểm đáng chú ý khác là da gấu phải được lột đúng thời điểm, nếu không lông sẽ không thể sử dụng. Do đó, người xưa phải lột da khi con vật chưa chết quá lâu.
"Bộ áo mùa đông của gấu gồm lớp lông dài phía trên tạo thành lớp bảo vệ thoáng khí và lớp lông ngắn, dày giúp cách nhiệt đặc biệt tốt. Các loài gấu, bao gồm cả gấu hang động đã tuyệt chủng, cần một bộ lông cách nhiệt tốt để ngủ đông. Những vết cắt mới phát hiện trên xương gấu cho thấy người dân ở Bắc Âu có thể đã sống sót qua mùa đông khoảng 300.000 năm trước nhờ lông gấu ấm áp", Verheijen giải thích.
Năm ngoái, một nhóm nghiên cứu từ Morocco chỉ ra, vẫn có bằng chứng về việc sử dụng lông thú và hàng chục công cụ khác để làm nhẵn và đánh bóng da thú ngay cả trong điều kiện khí hậu tương đối ấm áp. Khi người Homo sapiens ở Bắc Phi đến cư trú ở khắp nơi trên thế giới, có thể họ đã sống sót nhờ mặc da và lông thú.
Thu Thảo (Theo Ancient Origins)