Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Nghị định 106/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam.
Về cơ cấu tổ chức, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam có 38 đầu mối, giảm 4 đầu mối so với những năm trước đây.
Trong đó, ngoài 5 Ban chuyên môn giúp việc, Viện sẽ gồm 33 đơn vị khác gồm các viện nghiên cứu, trung tâm vũ trụ, nhà xuất bản, trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ cao, trường, học viện...
Nghị định 106/2022/NĐ-CP nêu rõ nhiệm vụ và quyền hạn của Viện Hàn lâm KH&CN là tiếp tục trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược phát triển, các chương trình, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm, các dự án, đề án quan trọng của Viện thực hiện sau khi được phê duyệt.
Về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Viện tiếp tục thực hiện nghiên cứu cơ bản về các lĩnh vực khoa học tự nhiên, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực như: Toán học; vật lý; sinh học; khoa học Trái Đất và nhiều nội dung khác.
Về điều khoản chuyển tiếp, Trung tâm Phát triển công nghệ cao và Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ hợp nhất thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ cao từ hết năm 2023.
Viện Khoa học năng lượng và Viện Công nghệ môi trường hợp nhất thành Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường từ hết năm 2023.
Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang sẽ sáp nhập vào Viện Hải dương từ hết năm 2024.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023 nhằm thay thế Nghị định số 60/2017/NĐ-CP ban hành ngày 15/5/2017 của Chính phủ.