Thông tin được Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ nói tại hội nghị thường niên phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực tổ chức tại TP HCM sáng 24/12. Tại đây ông nhắc lại lời cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak để thấy trong khoa học và sáng tạo phải chấp nhận sự rủi ro. "Nếu không thử làm sao biết đúng hay sai. Làm sao biết con đường đó đi đúng hay không. Thất bại sẽ mang tới kinh nghiệm để từ đó có được thành công trong tương lai".
Theo đó, cơ chế chính sách về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đang được Bộ hoàn thiện theo hướng chú trọng "xây dựng thể chế vượt trội, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong hoạt động khoa học công nghệ". Ông mong các bộ ngành, đơn vị liên quan nỗ lực toàn diện và đồng bộ để tháo gỡ những bất cập trong hệ thống luật pháp và chính sách để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là các rào cản, vướng mắc từ các cơ chế, chính sách về kinh tế, đầu tư, thương mại.
"Nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học công nghệ nhất là từ doanh nghiệp cần được tăng cường đầu tư hơn nữa", ông Đạt nói.
Ông cho biết, Bộ Khoa học Công nghệ đang thực hiện tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng, trong đó chú trọng lĩnh vực nông nghiệp. Đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học công nghệ gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia của ngành. Hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo được đẩy mạnh thời gian tới nhằm phát huy thế mạnh của Việt Nam và huy động tối đa nguồn lực quốc tế.
Theo Bộ trưởng, trong hoạt động đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh. Đây là cầu nối để khoa học công nghệ phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế xã hội, qua đó tạo bứt phá trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng.
Người đứng đầu ngành khoa học công nghệ cho rằng, cần khuyến khích các mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp.
Ông Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM nêu thực tế, hiện các thủ tục đã có nhiều đổi mới nhưng các nhà khoa học vẫn phải làm các công việc như một kế toán cho chính công trình của mình. "Việc thanh quyết toán, giải ngân đề tài mất rất nhiều thời gian thực sự là thách thức cho các giảng viên", ông Quân nói.
Ông đề xuất cơ quan chức năng nên xây dựng cơ chế đồng giám sát các kết quả, đề tài nhà khoa học, để họ tự đánh giá chéo nghiên cứu của nhau giúp giảm bớt thủ tục, tăng tính minh bạch cho các nghiên cứu. "Quy định luật viên chức khiến nhà khoa học không được mở doanh nghiệp, thành lập các spin-off (doanh nghiệp khởi nguồn). Sinh viên khởi nghiệp không được công nhận trong các tín chỉ", ông Quân nói khó khăn về chính sách trong hoạt động khởi nghiệp, mong muốn sự thay đổi thể chế để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà khoa học.
Ở góc độ nhà khoa học, TS Hồ Nhựt Quang (ĐH Quốc tế TP HCM) kiến nghị cơ chế chính sách thúc đẩy liên kết giữa đại học với các phòng nghiên cứu phát triển (R&D) của các tập đoàn lớn nước ngoài tại Việt Nam. Ông cho rằng, các doanh nghiệp có nguồn lực cơ sở vật chất, nhân lực chất lượng cao với nhiều ý tưởng sáng tạo, nhưng họ cũng có những vấn đề cần giải quyết. "Nếu xây dựng được chính sách tạo động lực thúc đẩy mối quan hệ này, thì việc phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiệu quả hơn, có nhân lực với kỹ năng tạo ra ý tưởng sáng tạo tốt hơn", TS Quang nói.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đồng tình với các đóng góp của các chuyên gia và cho rằng các ý kiến giúp Bộ hoàn thiện các chính sách về khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo thời gian tới.
Ông cho biết, Chính phủ giao Bộ Khoa học Công nghệ làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn khuyến khích họ thành lập các trung tâm R&D để nghiên cứu, phát triển công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của chính họ và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong nước. "Khi các trung tâm này hình thành, tạo cơ hội phối hợp với các trường viện với sự hỗ trợ của nhà nước nhằm thúc đẩy cho mối quan hệ hợp tác này", Bộ trưởng Đạt nói.
Hội nghị thường niên lần 2 phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực do Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ và Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức. Hội nghị nhằm định hướng nghiên cứu, đào tạo gắn với chiến lược phát triển khoa học công nghệ đến năm 2030. Đây là nơi trao đổi các vấn đề tồn tại, vướng mắc về cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học công nghệ, trao đổi đề xuất các chính sách thử nghiệm (sandbox) để thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại các viện, trường và địa phương...
Hà An