Các nhà thiên văn học phát hiện hai ngoại hành tinh có thể ở được quay quanh một ngôi sao lùn đỏ ở gần Trái Đất. Hai hành tinh ngoài hệ Mặt Trời này chỉ cách 16 năm ánh sáng và có khối lượng tương tự Trái Đất. Chúng nằm trong vùng ở được quanh sao chủ mang tên GJ 1002, khu vực không quá nóng hoặc lạnh có thể tồn tại nước lỏng, yếu tố quan trọng cho sự sống. Nhóm nghiên cứu công bố phát hiện trên tạp chí Astronomy & Astrophysics, Space hôm 20/12 đưa tin.
Do nước lỏng đóng vai trò thiết yếu để sự sống tồn tại, những hành tinh nằm trong vùng ở được là trọng tâm nghiên cứu trong vũ trụ, dù vùng ở được không đảm bảo chắc chắn có sự sống. Ví dụ, trong hệ Mặt Trời, cả sao Kim và sao Hỏa đều nằm trong vùng ở được nhưng không hỗ trợ sự sống. Bởi GJ 1002 là sao lùn đỏ tương đối mát, vùng ở được của nó và cả hai ngoại hành tinh mới phát hiện đều nằm gần sao chủ hơn so với Trái Đất và Mặt Trời. Hành tinh ở trong cùng là GJ 1002b chỉ mất khoảng 10 ngày để quay quanh sao chủ trong khi hành tinh còn lại là GJ 1002c hoàn thành một vòng quỹ đạo trong 21 ngày.
Theo đồng tác giả nghiên cứu Vera María Passegger ở Viện vật lý thiên văn Canarias (IAC), GJ 1002 có khối lượng bằng 1/8 Mặt Trời. Độ gần của hai hành tinh có nghĩa chúng là mục tiêu lý tưởng để các nhà thiên văn học nghiên cứu khí tượng của thế giới giống Trái Đất bên ngoài hệ Mặt Trời.
Phát hiện về hai ngoại hành tinh là kết quả cộng tác giữa thiết bị ESPRESSO của Đài quan sát nam châu Âu (ESO) ở Kính viễn vọng rất lớn (VLT) trên sa mạc Atacama phía bắc Chile và thiết bị CARMENES ở Đài quan sát Calar Alto tại Andalucía, miền nam Tây Ban Nha. Hai thiết bị quan sát ngôi sao chủ trong hai thời kỳ riêng biệt. CARMENES nghiên cứu GJ 1002 từ năm 2017 đến 2019 trong khi ESPRESSO thu thập dữ liệu về sao lùn đỏ trong năm 2019 - 2021.
Độ nhạy của CARMENES trên dải bước sóng cận hồng ngoại rộng biến nó thành thiết bị phù hợp để phát hiện biến động tốc độ của ngôi sao. Kết hợp với khả năng thu ánh sáng của VLT, ESPRESSO cho phép các nhà thiên văn học quan sát hệ sao trong khi bất kỳ kính viễn vọng nào khác đều không thể. Tiếp theo, nhóm nghiên cứu hy vọng có thể sử dụng quang phổ kế ANDES trên Kính viễn vọng cực lớn đang xây dựng để nghiên cứu khí quyển của GJ 1002c.
An Khang (Theo Space)