Cuộc tấn công vào ngày 29/10 nhắm đến hệ thống máy tính của ALMA, khiến trang web của đài thiên văn bị sập và buộc phải đình chỉ các hoạt động quan sát khoa học.
"Phải mất rất nhiều công sức để khôi phục hệ thống máy tính và cung cấp quá trình thử nghiệm hoàn chỉnh từ đầu đến cuối để công việc có thể tiếp tục", Giám đốc ALMA Sean Dougherty hôm 21/12 nói với AFP.
Các nhà chức trách cho biết nhân viên máy tính đã thực hiện những biện pháp đối phó ngay lập tức để tránh mất mát và thiệt hại cho dữ liệu khoa học và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Vụ việc vẫn đang được cảnh sát Chile điều tra để xác định thủ phạm gây ra cuộc tấn công mạng.
"Trong những tuần tới, trọng tâm sẽ là khôi phục cơ sở hạ tầng thử nghiệm và các hệ thống như trang web ALMA và các dịch vụ khác, điều này sẽ cho phép khôi phục tất cả chức năng hiện có trước cuộc tấn công mạng", đại diện ALMA nói thêm.
Đài quan sát ALMA gồm 66 ăng-ten có độ chính xác cao trải rộng 16 km, biến nó trở thành mạng lưới kính viễn vọng lớn nhất và mạnh nhất thế giới. Đây cũng là một trong những đài quan sát cao nhất khi được lắp đặt trên mực nước biển hơn 5.000 m tại sa mạc Atacama khô hạn ở miền bắc Chile.
Hệ thống ăng-ten mạnh mẽ của ALMA cho phép phát hiện những thiên hà xa xôi đang hình thành ở rìa vũ trụ, quan sát khí và bụi phân tử, nghiên cứu các ngôi sao, hệ hành tinh và tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất, theo Đài quan sát phía Nam châu Âu (ESO), đơn vị đồng điều hành.
Kể từ khi bắt đầu hoạt động toàn thời gian vào năm 2013, ALMA đã tiết lộ các ngoại hành tinh hình thành từ bụi sao, quan sát thấy ánh sáng dữ dội từ các ngôi sao gần đó và cung cấp những hiểu biết mới về các vụ nổ bức xạ vũ trụ mạnh mẽ được gọi là vụ nổ tia gamma. ALMA cũng là một phần của dự án Kính viễn vọng Chân trời Sự kiện đã chụp được hình ảnh trực tiếp đầu tiên về hố đen vào năm 2019. Vào tháng 4/2022, ALMA còn giúp tìm ra ứng viên thiên hà xa nhất từng được quan sát cho đến nay, cách Trái Đất khoảng 13,5 tỷ năm ánh sáng.
Đài quan sát trị giá tới 1,4 tỷ USD này là một dự án hợp tác quốc tế lớn với sự tham gia của Liên minh châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Chile. Có khoảng 300 chuyên gia phụ trách vận hành máy tính, máy chủ, hệ thống lưu trữ dữ liệu và màn hình mạnh mẽ của ALMA.
Đoàn Dương (Theo AFP)