Một trận động đất được phát hiện bởi trạm đổ bộ InSight của NASA vào tháng 5 năm nay lớn hơn ít nhất 5 lần so với sự kiện địa chấn mạnh nhất từng được ghi nhận trên hành tinh đỏ trước đây. Trận động đất xảy ra hôm 4/5 ở mức 4,7 độ, vượt xa kỷ lục trước đó do trạm InSight phát hiện vào tháng 8/2021 (4,2 độ). Một dấu hiệu khác về quy mô của sự kiện là InSight tiếp tục phát hiện sóng từ trận động đất trong khoảng 10 giờ, trong khi dư chấn của tất cả những trận động đất trước đó đều chấm dứt trong vòng một giờ.
"Năng lượng giải phóng bởi trận động đất này tương đương năng lượng tích lũy từ mọi trận động đất chúng tôi từng thấy", John Clinton, nhà địa chấn học ở Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ tại Zürich, đồng tác giả nghiên cứu, công bố hôm 14/12 trên tạp chí Geophysical Research Letters, cho biết. "Dù sự kiện xảy ra cách hơn 2.000 km, sóng do trạm InSight ghi nhận lớn đến mức ồ ạt ập tới địa chấn kế của chúng tôi".
Trạm InSight phóng vào tháng 5/2018 và hạ cánh trên sao Hỏa vào cuối tháng 11 cùng năm. Kể từ sau đó, trạm sử dụng địa chấn kế để phát hiện hoạt động trên hành tinh đỏ. Ghi lại động đất sao Hỏa giúp cung cấp thông tin mới về hành tinh. Chuyển động của sóng truyền qua lòng đất sẽ hé lộ cấu tạo lớp vỏ, lớp phủ và lõi sao Hỏa. Lần đầu tiên Clinton và cộng sự có thể xác định sóng bề mặt, di chuyển dọc lớp vỏ và lớp phủ bên trên, di chuyển nhiều vòng quanh hành tinh.
Sự kiện địa chấn hồi tháng 5 cũng khác thường do tâm chấn không ở gần nút hoạt động. Nó cũng thể hiện đặc điểm của cả hai loại động đất sao Hỏa đã biết là sóng tần số cao với rung động ngắn nhưng nhanh và sóng tần số thấp với cường độ lớn hơn.
Trận động đất xảy ra vào ngày sao Hỏa thứ 1.222 của nhiệm vụ InSight (một ngày sao Hỏa dài hơn khoảng 40 phút so với ngày trên Trái Đất). NASA cho biết InSight chỉ còn hoạt động vài tuần nữa trước khi ngừng hoạt động do bụi tích tụ trên pin quang năng sản xuất năng lượng. Tuy nhiên, trạm đổ bộ đã tồn tại lâu hơn thời hạn 2 năm.
An Khang (Theo Space)