Dòng plasma dẫn tới một cơn bão địa từ hôm 19/12, theo spaceweather.com. Nguồn gốc của sóng xung kích chưa được xác định chính xác, nhưng các nhà khoa học cho rằng nó có thể đến từ cơn phun trào vành nhật hoa phóng ra bởi vệt đen AR3165, khu vực trên bề mặt Mặt Trời giải phóng ít nhất 8 vết lóa vào hôm 14/12, gây mất tín hiệu vô tuyến trong thời gian ngắn ở Đại Tây Dương.
Vệt đen là những khu vực trên bề mặt Mặt Trời có từ trường mạnh, tạo bởi dòng điện tích, xoắn vặn trước khi va đập mạnh. Năng lượng giải phóng sinh ra những cơn bùng nổ bức xạ gọi là lóa mặt trời, hoặc cột vật chất mang tên cơn phun trào vành nhật hoa (CME). Sau khi phóng ra, CME di chuyển ở tốc độ hàng triệu kilomet mỗi giờ, cuốn theo hạt tích điện từ gió mặt trời và gây nên bão địa từ nếu hướng về phía Trái Đất.
Bão địa từ xảy ra khi vật chất mang năng lượng cao từ Mặt Trời (chủ yếu là hạt electron, proton và alpha) bị hấp thụ bởi từ trường Trái Đất và sau đó nén lại. Các hạt này sẽ bay qua khí quyển gần vùng cực Trái Đất, nơi từ trường yếu nhất và kích động phân tử oxy và nitrogen, thúc đẩy chúng giải phóng năng lượng dưới dạng ánh sáng, tạo thành cực quang rực rỡ. Bão địa từ cũng có thể tạo ra vết nứt ở từ quyển, mở ra trong vài giờ, cho phép vật chất mặt trời truyền qua, làm gián đoạn hoạt động của vệ tinh, liên lạc vô tuyến và hệ thống điện.
Cơn bão hôm 19/12 tương đối yếu, có thể gây biến động nhỏ ở mạng lưới điện và ảnh hưởng tới chức năng của một số vệ tinh, bao gồm vệ tinh dùng cho thiết bị di động và hệ thống GPS. Tuy nhiên, những cơn bão địa từ mạnh hơn có thể gây thiệt hại nghiêm trọng hơn nhiều. Chúng không chỉ làm méo từ trường Trái Đất khiến các vệ tinh rơi qua khí quyển mà còn có thể làm tê liệt hệ thống điện và mạng Internet.
Từ năm 1775, giới thiên văn học biết hoạt động của Mặt Trời tăng giảm theo chu kỳ 11 năm, nhưng gần đây, Mặt Trời hoạt động mạnh hơn dự đoán với số lượng vệt đen xuất hiện nhiều gấp đôi. Các nhà khoa học dự đoán hoạt động của Mặt Trời sẽ tăng đều đặn trong vài năm tới, đạt cực điểm trong năm 2025 trước khi giảm lần nữa.
An Khang (Theo Live Science)