Tại thời điểm tiếp cận gần Mặt Trời nhất (điểm cận nhật) vào lúc 20h16 ngày 11/12 theo giờ Hà Nội, Parker đã bay qua tầng quang quyển cách bề mặt ngôi sao khoảng 8,5 triệu km ở tốc độ đáng kinh ngạc 586.829 km/h, gấp hơn 200 lần so với viên đạn bắn ra từ súng trường và nhanh hơn bất kỳ tàu vũ trụ nào trước đây.
Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là giới hạn đối với tàu thăm dò của NASA. Dự kiến vào năm 2025, Parker sẽ tiếp cận gần Mặt Trời nhất ở khoảng cách 6,2 triệu km so với bề mặt và bay với tốc độ lên tới 690.000 km/h, đủ nhanh để đi từ Philadelphia đến Washington, DC trong một giây.
Tại điểm cận nhật, Parker phải đối mặt với bức xạ cường độ cao và sức nóng khủng khiếp lên tới 1.400 độ C. Để vượt qua điều kiện khắc nghiệt này, tàu vũ trụ được trang bị một tấm chắn tổng hợp carbon dày 11,43 cm, giúp giữ các trọng tải khoa học của nó ở nhiệt độ phòng.
Một trong những mục tiêu chính của tàu thăm dò Parker là nghiên cứu vành nhật hoa, lớp ngoài cùng của bầu khí quyển của Mặt Trời. Dữ liệu thu thập được có thể giúp giải quyết một trong những bí ẩn nhất về ngôi sao: tại sao bầu khí quyển của nó lại nóng hơn cả bề mặt?
Các lý thuyết về vật lý cho rằng càng đi sâu vào plasma của một ngôi sao, áp suất càng tăng và ngôi sao trở nên nóng hơn. Tuy nhiên, vành nhật hoa thách thức hiểu biết này. Mặc dù mỏng và khuếch tán, plasma trong vành nhật hoa lại nóng hơn plasma ở quang quyển nằm phía dưới. Nhiệt độ tại vành nhật hoa tăng vọt lên 1,1 triệu độ C, trong khi ở 1.600 km bên dưới nó, quang quyển dày đặc hơn 10 triệu lần nhưng đạt nhiệt độ chỉ 5.500 độ C.
Rất khó để nghiên cứu vành nhật hoa từ Trái Đất vì ánh sáng mà nó phát ra bị lấn át bởi ánh sáng mạnh hơn nhiều từ quang quyển, có nghĩa là vành nhật hoa chỉ có thể nhìn thấy trong nhật thực toàn phần, khi Mặt Trăng chặn ánh sáng từ quang quyển.
Do đó, tàu thăm dò Parker cần tiếp cận ngôi sao gần nhất có thể để hiểu rõ hơn về vành nhật hoa, lớp chịu trách nhiệm phóng ra gió mặt trời, một dòng hạt tích điện có thể cản trở cơ sở năng lượng và hạ tầng liên lạc trên Trái Đất.
Parker sẽ thực hiện lần tiếp cận Mặt Trời thứ 15 tiếp theo vào ngày 17/3/2023, cũng đạt khoảng cách 8,5 triệu km phía trên bề mặt mặt trời. Cuối năm nay, tàu vũ trụ sẽ bay qua sao Kim để điều chỉnh quỹ đạo của nó gần Mặt Trời hơn khi sứ mệnh sắp kết thúc vào năm 2025.
Đoàn Dương (Theo Space)
- Tàu Orion trở về Trái Đất sau nhiệm vụ Mặt Trăng
- 8 giai đoạn hạ cánh đầy thách thức của tàu Artemis 1