Là một trong những chi thằn lằn cổ rắn lớn nhất từng tồn tại, Elasmosaurus có thể phát triển đến chiều dài 10,3 m và nặng 2 tấn, trong đó chỉ riêng phần cổ đã dài tới 7 m. Chúng thường sống ở vùng biển Eromanga cổ đại bao phủ phần lớn nội địa Australia trong kỷ Phấn trắng cách đây từ 100 đến 140 triệu năm.
Do có chiếc cổ rất dài, xương đầu của Elasmosaurus thường bị tách ra khỏi cơ thể sau khi chết, nhưng hộp sọ của mẫu vật mới được khai quật ở Queensland vẫn ở nguyên vị trí. Đó là điều đặc biệt hiếm thấy, Ancient Origins hôm 9/12 đưa tin.
Trong những bộ xương Elasmosaurus được lưu giữ tại Bảo tàng Queensland và các tổ chức khác thì chỉ có một hộp sọ riêng lẻ, nhưng nó đã bị biến dạng nặng nề.
Tiến sĩ Espen Knutsen từ Bảo tàng Queensland, tác giả chính của nghiên cứu, giải thích rằng khi một con Elasmosaurus sống ở biển Eromanga cổ đại chết, cơ thể của nó sẽ nổi lên mặt nước và bị động vật ăn thịt rỉa xác. Phần đầu và thân sau đó dễ dàng bị tách ra dưới tác động của sóng và thủy triều. Ngay cả khi đầu vẫn còn dính vào cơ thể, bộ xương cuối cùng cũng chìm xuống đáy đại dương và sự phân hủy của các chất hữu cơ có thể ngăn cách phần đầu và thân vài mét trong lớp bùn.
Bộ xương Elasmosaurus còn nguyên hộp sọ ở Queensland đã được xác định thuộc về một mẫu vật chưa trưởng thành, dài khoảng 7 m, nhưng đủ lớn để phân tích và so sánh với những mẫu vật khác.
"Chúng tôi không chỉ nhìn vào hình dạng của xương mà còn có thể lấy mẫu xương và xem xét thành phần hóa học của chúng, từ đó có thể biết được liệu con vật này có ra vào biển Eromanga từ bên ngoài hay không", Knutsen nói thêm.
Trong giai đoạn tiếp theo, các nhà cổ sinh vật học sẽ tiếp tục nghiên cứu hóa thạch kỹ lưỡng để tìm hiểu hiểu về cuộc sống, cái chết cũng như các đặc điểm giải phẫu và hành vi của nó.
Đoàn Dương (Theo Ancient Origins/Brisbane Times)
- Hóa thạch 76,5 triệu năm tiết lộ tổ tiên của T-rex
- Mẫu vật khủng long 130 triệu năm còn ruột hóa thạch