Danh sách cập nhật được đưa ra hôm 9/12 khi các đại biểu từ khắp nơi trên thế giới gặp nhau tại Montreal để tham dự hội nghị đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc nhằm hoàn thiện khuôn khổ mới cho "hiệp ước hòa bình với thiên nhiên", với các mục tiêu chính là bảo tồn rừng, đại dương và các loài trên Trái Đất.
"Thực tế là chúng ta đã đi chậm 30 năm trong việc bảo tồn biển hiệu quả. Giờ đây, hy vọng chúng ta có thể bắt kịp điều đó", Phó giám đốc IUCN Stewart Maginnis nói với AFP.
Biến đổi khí hậu đang thúc đẩy quá trình axit hóa cũng như khử oxy của đại dương, trong khi các dòng ô nhiễm nông nghiệp và công nghiệp từ đất liền đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh vật biển, kéo theo những tác động lan rộng khắp chuỗi thức ăn.
Maginnis nhấn mạnh rằng Sách Đỏ IUCN không phải là một danh mục vô vọng về sự diệt vong mà nó phục vụ như một công cụ nghiêm ngặt về mặt khoa học giúp tập trung vào hành động bảo tồn.
Danh sách này gồm hơn 150.000 loài, với hơn 42.000 loài hiện bị đe dọa tuyệt chủng. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến ít nhất 41% số loài bị đe dọa.
Trong bản cập nhật hôm 9/12, san hô cột (Dendrogyra cylindrus) được tìm thấy trên khắp vùng Caribe đã chuyển từ trạng thái "sắp nguy cấp" sang "cực kỳ nguy cấp" sau khi quần thể loài bị thu hẹp hơn 80% trên hầu hết phạm vi của chúng kể từ năm 1990.
Quá trình tẩy trắng do nhiệt độ bề mặt nước biển tăng lên, cũng như thuốc kháng sinh, phân bón và nước thải chảy vào đại dương, khiến san hô cột rất dễ mắc bệnh mất mô Stony, căn bệnh đã tàn phá số lượng lớn quần thể trong 4 năm qua.
Đánh bắt hải sản quá mức xung quanh các rạn san hô cũng gây thêm áp lực khi làm cạn kiệt số lượng cá ăn tảo, tạo điều kiện cho tảo chiếm ưu thế.
"San hô cột chỉ là một trong 26 loài san hô hiện bị liệt kê là 'cực kỳ nguy cấp' ở Đại Tây Dương, nơi gần một nửa số san hô đang có nguy cơ tuyệt chủng cao do biến đổi khí hậu và các tác động khác", Beth Polidoro thuộc Đại học Bang Arizona của Mỹ cho biết.
Giống như san hô, các loài bào ngư cũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, điển hình là đợt nắng nóng trên biển vào năm 2011 đã giết chết 99% bào ngư Roe ở ngoài khơi phía tây Australia.
Ở một số nơi khác như Nam Phi, bào ngư được coi là cao lương mỹ vị, dẫn đến nạn khai thác quá mức và săn trộm không bền vững của các mạng lưới tội phạm có tổ chức quốc tế.
Dòng chảy nông nghiệp và ô nhiễm cũng gây ra hiện tượng tảo nở hoa có hại, loại bỏ bào ngư Oman - một loài thương mại được tìm thấy ở Bán đảo Arab - trên một nửa phạm vi trước đây của nó.
Theo IUCN, có tới 20/54 loài bào ngư trên thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng. "Điều này phản ánh trách nhiệm tai hại của loài người đối với các đại dương của chúng ta trong thế giới vi mô", Howard Peters từ Đại học York, người đứng đầu cuộc đánh giá, nhấn mạnh.
Trong khi đó, dù vẫn được phân loại là "sắp nguy cấp" trên toàn cầu, quần thể bò biển - còn được gọi là dugong, cá cúi hay cá nàng tiên - ở Đông Phi và New Caledonia đã lần lượt bị nâng mức đe dọa lên "cực kỳ nguy cấp" và "nguy cấp" trong danh sách cập nhật mới.
Bò biển là sinh vật hiền lành, thích ăn cỏ ở những vùng nước nông ven bờ. Các mối đe dọa chính đối với chúng là vô tình mắc vào ngư cụ ở Đông Phi và nạn săn trộm ở New Caledonia, cũng như thương tích do va chạm với tàu thuyền ở cả hai địa điểm.
Ở Đông Phi, hoạt động thăm dò và sản xuất nhiên liệu hóa thạch, cùng với ô nhiễm nước cũng làm suy giảm nguồn thức ăn cỏ biển của dugong. Ở New Caledonia, cỏ biển đang bị tàn phá do nước thải nông nghiệp và ô nhiễm do khai thác niken.
Đoàn Dương (Theo AFP)
- Cá nàng tiên tuyệt chủng ở Trung Quốc
- Những động vật nào có thể tuyệt chủng vào năm 2050?