Robot RBB-01 đã tham gia triển lãm Quốc phòng quốc tế 2022, nhận được sự quan tâm của nhiều người. Trưởng nhóm nghiên cứu, thiếu tá Đào Vũ Hiệp, Phó trưởng phòng Khoa học quân sự, Cục Quản lý công nghệ, chia sẻ ý tưởng về robot có thể thay con người làm nhiệm vụ trinh sát trong điều kiện nguy hiểm được Tổng cục Công nghiệp quốc phòng giao cho nhóm từ năm 2017. Khi đó các nước như Nga, Mỹ, Trung Quốc đều có sản phẩm robot tương tự.
Đây là sản phẩm mới, chưa từng được nghiên cứu tại Việt Nam, trong khi sản phẩm nước ngoài luôn giữ bí mật về công nghệ nên nhóm phải tự nghiên cứu, thiết kế cấu hình, tính năng, kỹ chiến thuật riêng. "Chúng tôi phải tổng hợp tài liệu từ nhiều nguồn để xây dựng được bản thiết kế; tự tìm tòi, giải mã để có thể làm chủ công nghệ robot", thiếu tá Hiệp nói.
Những lần thử nghiệm đầu tiên đều không đạt do toàn bộ linh kiện, vật tư sản xuất trong nước không đáp ứng độ chính xác, độ bền và tiêu chuẩn khắt khe của khí tài quân sự. Nhóm đã đề xuất nhập các loại linh kiện điện tử, chip từ nước ngoài; nghiên cứu kỹ để lựa chọn các loại thép chống được đạn cấp độ một; các linh kiện quân sự đặc chủng duy trì được khả năng lội nước mà không làm ảnh hưởng đến linh kiện, khả năng tác chiến.
Sau hơn 2 năm thử nghiệm với 4 mẫu không thành công, đến năm 2019, RBB-01 của Việt Nam chính thức ra đời với nhiệm vụ chủ yếu là tác chiến trong khu vực đô thị, địa hình trống trải và tương đối bằng phẳng, rất khó ẩn nấp. Khí tài này sẽ hỗ trợ bộ đội tác chiến, giảm thiểu thương vong mà vẫn nắm bắt được thông tin chiến trường.
Robot dài 1,18 m, rộng 0,765 m, cao 0,395 m, nặng khoảng 80 kg, vận tốc tối đa 5 km/h, thời gian hoạt động 3 giờ. Robot di chuyển bằng bánh xích chế tạo từ cao su kết hợp với sợi kevlar có khả năng vượt địa hình dốc 15 độ, cao 15 cm. Hệ thống quan sát bao gồm tổ hợp camera quân sự sử dụng được cả trong bóng tối; hệ thống điều khiển hỏa lực; hệ thống truyền thông, định vị và dẫn đường có thể sử dụng định vị sóng radio (GPS) hoặc định vị quán tính (ENS).
Đặc biệt, robot RBB-01 còn được tích hợp các cảm biến âm thanh, cảm biến phát hiện phóng xạ, chất nổ, hóa chất độc hại, các tham số môi trường khác phù hợp chiến đấu khi đối phương sử dụng vũ khí hóa học, phóng xạ... Bo mạch điều khiển của robot hoạt động theo tiêu chuẩn quân sự; hệ thống điều khiển từ xa đạt các quy chuẩn bảo mật cao nhất, có thể điều khiển ở cự ly tối đa 500 m.
Theo thiếu tá Hiệp, mẫu thử nghiệm RBB-01 đang được lắp súng Micro-Uzi, sử dụng cỡ đạn 9x19 mm parabellum với hộp tiếp đạn 25 viên, ngoài ra có thể lắp thêm súng phóng lựu và một số vũ khí khác. Robot có thể tiêu diệt mục tiêu hiệu quả trong khoảng cách 50 m; tự động phát hiện, bắt bám mục tiêu và ngắm trong phạm vi 200 m, việc khai hỏa được thực hiện theo lệnh của xạ thủ điều khiển.
"Về nguyên tắc, vũ khí không được tự động khai hỏa nên cơ chế bắn của robot sẽ chỉ do con người điều khiển, đảm bảo yếu tố an toàn trên chiến trường", thiếu tá Hiệp nói. So sánh với sản phẩm cùng loại, anh Hiệp cho rằng robot chưa có nhiều ưu điểm vượt trội, nhưng đây là sản phẩm do Việt Nam làm chủ 100% về công nghệ nên giá thành rẻ, sẵn sàng trang bị cho quân đội Việt Nam cũng như sản xuất theo đặt hàng.
Phó chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng Dương Văn Yên cho biết thông qua nhiều bài kiểm tra, đánh giá, đề tài robot RBB-01 đã được Tổng cục đánh giá đạt loại tốt, phù hợp với điều kiện tác chiến tại Việt Nam. Sản phẩm này đã đủ điều kiện để đưa vào biên chế, khi nào Bộ Quốc phòng hoặc các đơn vị có nhu cầu đặt hàng sẽ được sản xuất hàng loạt.
Hiện, Tổng cục tiếp tục nghiên cứu, cải tiến để cho ra đời phiên bản nâng cấp, có khả năng mang nhiều loại vũ khí, đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn của quân đội và hứa hẹn có thể xuất khẩu do giá thành cạnh tranh.
Sơn Hà