Hội nghị Hóa học quốc tế lần thứ nhất (ICCS) diễn ra từ ngày 8-11/12 tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), thu hút sự tham dự của 120 nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore. Các nhà khoa học thảo luận ba lĩnh vực gồm Hóa học trong chuyển hóa và tích trữ năng lượng; phân tích, xử lý môi trường và chăm sóc sức khỏe.
Tại hội nghị GS Kazunari Domen, Đại học Tokyo, Nhật Bản trình bày kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực chuyển hóa và tích trữ năng lượng. Công trình của GS Domen tập trung vào phát triển các xúc tác từ những vật liệu có trữ lượng lớn trong tự nhiên, từ đó giảm thiểu chi phí khi áp dụng sản xuất quy mô lớn. Nghiên cứu này có ý nghĩa lớn cho quá trình chuyển dời từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo của thế giới.
Chia sẻ thêm với VnExpress về hướng ứng dụng cho Việt Nam, GS Domen cho biết có hai cách tiếp cận đối với Việt Nam, một là có thể tự phát triển công nghệ của chính mình hoặc nhập khẩu năng lượng hydro sử dụng.
Ông cho biết, sẽ ủng hộ các nhà khoa học nếu có ý tưởng và sẵn sàng hợp tác nghiên cứu. "Với những mô hình chuyển đổi năng lượng, hội nghị là cơ hội chia sẻ nghiên cứu và thách thức công nghệ lớn nhất cũng như tiến bộ sẽ giúp cộng đồng khoa học Việt giải bài toán của riêng mình", ông nói.
GS Licheng Sun, Viện Công nghệ Hoàng gia KTH, Thụy Điển chia sẻ về nghiên cứu xúc tác cho quá trình phân tách nước để sản xuất nhiên liệu từ mặt trời: các quá trình quang tổng hợp từ tự nhiên đến nhân tạo. Nghiên cứu xoay quanh về quang tổng hợp nhân tạo (Artificial photosynthesis), phản ứng oxy hóa khử, hoạt tính xúc tác của phức ruthenium; pin quang điện ứng dụng điện phân nước.
GS Bùi Thị Như Ngọc, Đại học Oklahoma cũng mang đến hội nghị kết quả nghiên cứu phát triển các kỹ thuật tiên tiến về chế tạo vật liệu nano ứng dụng xử lý nước thải. GS Ngọc cho biết các chất thải như chất thải điện tử sẽ có giá trị sử dụng nếu như được tinh lọc và dùng cho lĩnh vực khác. Bà cùng các cộng sự thiết kế những màng lọc và vật liệu hấp phụ từ vật liệu nano, xây dựng hệ thống khử muối tiết kiệm năng lượng trong xử lý nước thải công nghiệp và phát triển các kỹ thuật để chuyển hóa chất gây ô nhiễm thành các vật dụng có ích.
Với mục tiêu bảo vệ môi trường, hướng tài nguyên vĩnh cửu cho thế hệ sau này, GS Ngọc xây dựng một nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Năng lượng Sarkeys, chuyên nghiên cứu các vấn đề về nước, năng lượng tái sinh và cải thiện môi trường bằng các vật liệu lai vô cơ - hữu cơ. Bà mong muốn có thể kết nối với các giáo sư, nhà nghiên cứu để các nhà khoa học Việt có hỗ trợ tốt nhất.
Hội nghị Hóa học Quốc tế lần thứ nhất thu hút 9 báo cáo mời và 24 báo cáo thuyết trình. Hội nghị còn có 22 báo cáo poster của các nhà khoa học trẻ để giới thiệu về các kết quả mới nhất trong nghiên cứu khoa học.
PGS. TS Trần Đình Phong, Phó hiệu trưởng USTH, cho biết hội nghị được tổ chức nhằm đưa những nhà hóa học tài năng đến Việt Nam, trở thành cầu nối giữa cộng đồng hóa học trong nước với quốc tế, cùng chia sẻ những tiến bộ, đóng góp nổi bật, thúc đẩy phát triển những ý tưởng mới tới các nhà khoa học trẻ Việt. Đây cũng là cơ hội cho các nhà khoa học trẻ lắng nghe kinh nghiệm trong xác định các thách thức về khoa học công nghệ, giải quyết vấn đề đặc thù của Việt Nam.
Hội nghị Hóa học quốc tế sẽ được tổ chức 2 năm một lần, PGS Phong kỳ vọng nhà khoa học Việt chủ động đặt vấn đề và kết nối hợp tác với các nhà khoa học quốc tế.
Như Quỳnh