Robot Perseverance khoan hai mẫu vật đất mặt trong khi tiếp tục nhiệm vụ tìm hiểu quá trình địa chất và tìm kiếm bằng chứng sự sống từng tồn tại trên sao Hỏa. Robot do NASA vận hành lấy mẫu vật đất mặt hôm 2/12 và 6/12, bổ sung vào bộ sưu tập 15 lõi đá khoang ở miệng hố Jezero trên hành tinh đỏ từ khi hạ cánh xuống đây vào tháng 2/2021.
Hai mẫu vật mới rất khác với bộ sưu tập đá trước đó của Perserverance, vốn được khoan từ đá cuội. Mẫu vật đất mặt đến từ cát và bụi bị gió thổi tương tự đụn cát trên Trái Đất, dù nhỏ hơn về mặt kích thước. Tuy đa số mẫu vật Perseverance thu thập trong nhiệm vụ là lõi đá có thể chứa dấu hiệu sự sống, các nhà khoa học cho rằng mẫu vật đất mặt kiểu này có thể là chìa khóa để hiểu rõ những quá trình địa chất định hình sao Hỏa.
Mẫu vật đất mặt có thể giúp giới khoa học lên kế hoạch cho nhiệm vụ vũ trụ tương lai và giảm bớt thách thức mà phi hành gia có thể đối mặt trên bề mặt sao Hỏa. Đó là vì đất mặt có thể ảnh hưởng tới nhiều thiết bị, từ pin quang năng thu thập năng lượng tới trang phục phi hành gia. Bột đá và bụi mịn có thể đọng ở bộ phận rất nhạy và thậm chí làm chậm tốc độ của robot trên mặt đất. Các mẩu đá nhọn lớn hơn trong lớp đất mặt có thể làm rách trang phục, đe dọa phi hành gia.
"Nếu muốn định cư lâu dài hơn trên sao Hỏa, chúng ta cần biết bụi và đất mặt sẽ tương tác như thế nào với tàu vũ trụ và những người định cư", Erin Gibbons, nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học McGill tại Canada, thành viên trong nhiệm vụ Perseverance, cho biết. "Một số hạt bụi có thể mịn như khói thuốc lá và lọt vào máy thở của phi hành gia. Chúng tôi muốn hiểu đầy đủ vật liệu nào có thể gây hại cho các nhà thám hiểm".
Tuy nhiên, đất mặt có thể là nguồn tài nguyên quan trọng đối với nhiệm vụ vũ trụ có người lái tới sao Hỏa nhằm ở lâu và bền vững trong không gian. Vật liệu mịn có thể dùng để xây nơi ở, bảo vệ phi hành gia trước bức xạ Mặt Trời chiếu xuống bề mặt hành tinh đỏ vốn không có từ trường che chắn như Trái Đất. Tuy nhiên, giới nghiên cứu cần biết liệu đất mặt sao Hỏa có chứa perchlorate, một hóa chất độc hại có thể đe dọa sức khỏe phi hành gia nếu ăn hoặc hít phải với số lượng lớn hay không.
NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu đang phát triển nhiệm vụ đưa mẫu vật sao Hỏa về Trái Đất. Nhờ đó, các nhà khoa học có thể nghiên cứu đất mặt chi tiết hơn trong phòng thí nghiệm với nhiều thiết bị nhạy và mạnh hơn phân tích hóa học bằng trang bị do robot mang tới sao Hỏa.
Perseverance thu thập mẫu vật đất mặt bằng mũi khoan đặt ở cuối cánh tay robot, tương tự khi lấy lõi đá, nhưng dùng mũi khoan khác. Mũi khoan đất mặt hơi giống chiếc gai với các lỗ nhỏ cho phép thu thập vật liệu tơi. Mũi khoan này được thiết kế và thử nghiệm với đất mặt mô phỏng bởi các nhà khoa học ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA ở California. Vật liệu mô phỏng đất sao Hỏa gồm đá núi lửa nhiều cỡ hạt từ to như sỏi đá tới bụi mịn, dựa trên ảnh chụp và dữ liệu thu thập trong những nhiệm vụ sao Hỏa trước đây.
An Khang (Theo Space)
- Robot NASA chụp hình bề mặt đá sao Hỏa