Theo SciTech Daily, các nhà khoa học từ Đại học Arizona (Mỹ) đã thách thức các quan điểm hiện tại về sự tiến hóa địa động lực của Sao Hỏa bằng cách xác định được bằng chứng về chùm mantle ở hành tinh tưởng chừng "đã chết" này.
Nghiên cứu vừa được công bố trên Nature Astronomy, dựa trên các dữ liệu mà NASA đã thu được về Sao Hỏa đặc biệt là tàu đổ bộ InSight - nổi tiếng vì đã xác định được các cơn địa chấn Sao Hỏa.
Chùm mantle (chùm manti) là sự dâng lên của một khối đá nóng bất thường bên trong lớp phủ của hành tinh, có thể gây tan chảy từng phần các đá nằm trên đường đi của nó khi nó xâm nhập lên gần mặt đá và thường tạo ra các trung tâm núi lửa.
Cấu trúc này trước kia từng được cho là chỉ có Trái Đất mới có, cũng như chỉ có Trái Đất mới có địa chấn và các hoạt động kiến tạo, những thứ góp phần giúp hành tinh của chúng ta sống được vì giúp ổn định khí hậu và khí quyển.
Thế nhưng những bằng chứng gần đầy lần lượt tiết lộ Sao Kim cũng có chùm mantle, và bây giờ là Sao Hỏa. Hai hành tinh này đều cùng nằm trong vùng sự sống Goldilocks của hệ Mặt Trời với Trái Đất nên đây là những dấu hiệu rất được mong chờ.
Theo nhà nghiên cứu Adrien Broquet từ Phfong thí nghiệm Mặt Trăng và hành tinh của Đại học Arizona, nghiên cứu cho thấy chùm mantle ở Sao Hỏa rất khổng lồ và đang còn hoạt động, đang làm biến dạng bề mặt vùng Elysium Plantia bằng cách đẩy nó lên trên, đồng thời gây ra động đất, đứt gãy và núi lửa y như cách Trái Đất đã tạo ra Hawaii.
Một lượng lớn hoạt động núi lửa trong thời kỳ đầu của Sao Hỏa đã tạo nên những ngọn núi lửa vĩ đại nhất hệ Mặt Trời và bao phủ hầu hết bán cầu Bắc của hành tinh trong trầm tích.
Nhưng rất tiếc, theo tiến sĩ Broquet, những hoạt động nhỏ gần đây liên quan đến chùm mantle nói trên chỉ là do quá trình thụ động của một hành tinh đang nguội dần, chứ khó lòng là dấu hiệu hành tinh "sống lại" như nhiều người hy vọng.
Tuy nhiên điều này cũng một lần nữa khẳng định Sao Hỏa là một hành tinh từng sôi động và mục tiêu khai quật dấu tích sự sống cổ đại của NASA là có cơ sở.
Theo
nld.com.vn