Công nghệ thông tin tiên tiến cho phép Trung Quốc truy cập dữ liệu sản xuất ngay lập tức, đảm bảo nguồn cung cấp cobalt, một nguyên tố quan trọng trong ngành công nghiệp xe điện giúp tăng mật độ lưu trữ năng lượng, vòng đời và độ an toàn của pin lithium-ion, South China Morning Post hôm 7/12 đưa tin. Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) sản xuất 70% lượng cobalt trên thế giới. Theo ước tính, hơn 80% mỏ cobalt ở DRC do các công ty Trung Quốc sở hữu.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc trực tiếp truy cập dữ liệu hoạt động từ gần như tất cả thiết bị trong khu mỏ, chủ yếu nằm ở khu vực hẻo lánh, nhờ ứng dụng cảm biến thông minh trên quy mô lớn và công nghệ liên lạc tốc độ cao. Ví dụ, một quản lý có thể biết vị trí, tốc độ và tải trọng của mỗi xe tải trong khi đang ở Bắc Kinh chỉ với điện thoại thông minh.
Trong bài báo công bố trên tạp chí Mining Technology tháng trước, Cui Bing, kỹ sư quản lý thi công cơ sở hạ tầng khai thác mỏ kỹ thuật số ở công ty North Mining (còn gọi là Norine), cho biết hệ thống truyền video trực tiếp cung cấp bởi camera ở những địa điểm quan trọng về trụ sở. Ban giám đốc ở Bắc Kinh có thể gửi chỉ đạo cho các quản lý ở địa phương dựa trên tình hình tại đó.
Trong quá khứ, hệ thống thông tin tại các mỏ ở châu Phi phần lớn tách biệt với trụ sở của công ty quản lý ở Trung Quốc. Phần lớn dữ liệu được thu thập bởi nhân viên địa phương và xử lý thủ công trước khi gửi về Bắc Kinh. Nhiều mỏ hiện nay ứng dụng công nghệ mới như AI và 5G để tự động hóa sản xuất. Trong mỏ cobalt, những thiết bị đa dạng bao gồm máy xúc đào quặng và máy tự động chọn lọc và xử lý. Các kỹ sư Trung Quốc đã lắp khoảng 1.000 cổng theo dõi và thu thập dữ liệu ở mỗi khu mỏ tại DRC. Những cổng này báo cáo dữ liệu tình trạng công việc về Bắc Kinh 10 lần một giây.
Hệ thống khai thác mỏ ở châu Phi có thể tiếp cận thông qua nhiều nền tảng đa dạng từ Trung Quốc, bao gồm máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng. Hệ thống theo dõi thời gian thực giúp cải thiện đáng kể hiệu suất công việc và tăng năng suất của mỏ. Tổng sản lượng cobalt của DRC đã tăng hơn 20% một năm, đạt hơn 120.000 tấn năm ngoái, theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ.
An Khang (Theo SCMP)
- Trung Quốc xây nhà máy khai thác uranium từ nước biển