Trong một tuyên bố vào hôm qua, NASA cho biết đây là lần cất cánh đầu tiên của Ingenuity kể từ ngày 22/11 và là nhiệm vụ thứ hai kể từ bản cập nhật phần mềm lớn. Bản cập nhật này - mất vài tuần để cài đặt - cung cấp cho trực thăng hai khả năng mới: tránh nguy hiểm khi hạ cánh và sử dụng bản đồ độ cao kỹ thuật số để điều hướng.
Chuyến bay hôm 3/12 đã chứng kiến Ingenuity bay xa 15 m trong 52 giây và có thời điểm đạt độ cao 14 m so với bề mặt sao Hỏa. Đây là độ cao lớn nhất mà trực thăng của NASA đạt được trong 35 nhiệm vụ cất hạ cánh trên hành tinh đỏ cho đến nay. Kỷ lục trước đó là 12 m, được xác lập trong ba chuyến bay khác nhau lần lượt vào ngày 24/7/2021, 4/8/2021 và 6/11/2021.
Theo nhật ký nhiệm vụ, Ingenuity đã di chuyển tổng cộng 7.407 m trên sao Hỏa và ở trên không 59,9 phút trong 35 lần bay. Chuyến bay xa nhất diễn ra vào ngày 8/4/2022 khi trực thăng đạt quãng đường 704 m và bay cao 10 m.
Trực thăng Ingenuity đã hạ cánh xuống miệng hố Jezero trên hành tinh đỏ vào tháng 2/2021. Sau đó, nó được triển khai từ bụng của robot tự hành Perseverance và nhanh chóng chứng minh chuyến bay chạy bằng động cơ có thể thực hiện được trong bầu khí quyển mỏng của sao Hỏa.
NASA sẽ tìm cách kiểm tra Ingenuity càng nhiều càng tốt, đặc biệt là khi cơ quan này có kế hoạch đưa thêm trực thăng lên sao Hỏa để thực hiện sứ mệnh trả mẫu trong tương lai.
Trong khi đó, robot tự hành Perseverance vẫn tích cực thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm dấu vết của sự sống cổ đại trên sao Hỏa trong miệng hố Jezero rộng 45 km, nơi được cho là từng có một hồ nước và vùng đồng bằng sông cách đây hàng tỷ năm. Robot đang thu thập và lưu trữ một loạt mẫu đá, dự kiến được đưa về Trái Đất trong một sứ mệnh chung sớm nhất vào năm 2033 giữa NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu.
Đoàn Dương (Theo Space)
- NASA sẽ đưa thêm hai trực thăng tới sao Hỏa
- Trực thăng của Nasa phát hiện vật thể lạ trên sao Hỏa