Việc xây dựng đài thiên văn vô tuyến khổng lồ Square Kilometer Array (SKA) bắt đầu tại Australia hôm 5/12, sau 3 thập kỷ phát triển. SKA được đánh giá là một trong những dự án khoa học lớn nhất thế kỷ này. Công trình sẽ cho phép giới khoa học tìm hiểu vũ trụ thời sơ khai, khi những ngôi sao và thiên hà đầu tiên hình thành. Đài thiên văn cũng sẽ giúp nghiên cứu năng lượng tối và lý do vũ trụ giãn nở, đồng thời có thể tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất.
SKA gồm hai hệ thống kính viễn vọng. Hệ thống thứ nhất là SKA-Thấp, nằm ở Tây Australia, gồm 131.072 ăng-ten với hình dạng giống cây thông. SKA-Thấp được đặt tên như vậy do nhạy với tín hiệu vô tuyến tần số thấp, từ 50 - 350 megahertz. Hệ thống sẽ nhạy gấp 8 lần các kính viễn vọng tương tự hiện nay và lập bản đồ bầu trời nhanh gấp 135 lần. Hệ thống thứ hai, SKA-Trung, gồm 197 đĩa ăng-ten truyền thống và xây dựng ở vùng Karoo, Nam Phi. SKA-Trung hoạt động ở tần số từ 350 megahertz đến 14 gigahertz.
"Các kính viễn vọng SKA đủ nhạy để phát hiện một radar sân bay trên một hành tinh quay quanh ngôi sao cách xa hàng chục năm ánh sáng. Vì vậy, nó thậm chí có thể trả lời câu hỏi lớn nhất: Con người có đơn độc trong vũ trụ không?", tiến sĩ Sarah Pearce, giám đốc hệ thống SKA-Thấp, cho biết.
"Về độ nhạy, SKA có thể phát hiện một chiếc điện thoại di động trong túi phi hành gia trên sao Hỏa, cách xa 225 triệu km. Thú vị hơn, nếu tồn tại những xã hội thông minh trên các ngôi sao lân cận với công nghệ tương tự của con người, SKA có thể phát hiện bức xạ 'rò rỉ' từ các mạng viễn thông và vô tuyến của họ. Đây là kính viễn vọng đầu tiên đủ nhạy để làm được điều này", tiến sĩ Danny Price tại Viện Thiên văn Vô tuyến Curtin nói.
Giáo sư Alan Duffy, giám đốc viện công nghiệp và công nghệ vũ trụ thuộc Đại học Công nghệ Swinburne, nhận định, SKA có thể sẽ là kính viễn vọng lớn nhất được chế tạo, giúp kết nối xuyên lục địa để tạo ra một cơ sở trải rộng khắp thế giới, cho phép con người quan sát gần như mọi khu vực có thể quan sát của vũ trụ.
Kế hoạch ban đầu là xây dựng hệ thống kính viễn vọng vào năm 2021, nhưng bị hoãn lại do ảnh hưởng của Covid-19. Tại Australia, Tổ chức SKA hợp tác với Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO) để xây dựng và vận hành các kính viễn vọng.
Thu Thảo (Theo Guardian)
- Kính James Webb chụp ảnh thiên hà va chạm dữ dội
- Trung Quốc hoàn thành cụm kính viễn vọng lớn nhất thế giới