Theo một nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà khoa học ở Đại học Illinois, Mỹ, điện thoại thông minh (smartphone) có thể mang lại tác dụng không ngờ.
Cụ thể, thiết bị được xem là ai cũng sở hữu này có thể tính toán được mô hình rủi ro về sức khỏe của người dùng, thậm chí là nguy cơ tử vong ở cấp độ dân số.
Theo Bruce Schatz, trưởng nhóm nghiên cứu, điều này có thể được thực hiện bằng cách theo dõi thụ động hoạt động đi bộ của người dùng thông qua thiết bị smartphone mà họ sở hữu.
"Các cảm biến trên điện thoại thông minh có thể dự đoán chính xác nguy cơ tử vong trong vòng 5 năm của bất kỳ ai", Bruce Schatz tuyên bố trong một bài đăng trên tạp chí PLOS Digital Health.
Để có được lập luận nêu trên, Bruce và đồng nghiệp đã nghiên cứu sàng lọc dựa trên dữ liệu từ 100.000 người tham gia khảo sát. Những người này sẽ đeo thiết bị theo dõi hoạt động có cảm biến ở cổ tay, và sinh hoạt bình thường trong 1 tuần.
Dữ liệu từ cảm biến sau đó được trích xuất lên smartphone, với thông tin quan trọng là cường độ từ những quá trình vận động ngắn của người dùng, như đi bộ quãng ngắn, leo cầu thang...
Bằng việc phân tích dữ liệu này, nhóm nghiên cứu đã có thể thiết lập mô hình dự đoán về nguy cơ tử vong của người dùng bất kỳ nhờ kết hợp với các đặc điểm nhân khẩu học truyền thống.
Phép tính có độ chính xác khoảng 70%, cho biết nguy cơ tử vong trong vòng 5 năm của bất kỳ ai. Để làm được điều này, hoàn toàn có thể thông qua những chiếc smartphone giá rẻ, thứ mà bất kỳ ai cũng có thể sở hữu.
Các nhà khoa học khẳng định rằng dựa trên nghiên cứu này, có thể mở rộng quy mô để thiết lập một lộ trình khả thi, hướng tới quy mô quốc gia về dự đoán rủi ro sức khỏe của người dân trên toàn thế giới.
"Tôi đã dành một thập kỷ sử dụng điện thoại giá rẻ cho các mô hình lâm sàng về tình trạng sức khỏe", Bruce Schatz cho biết thêm. "Những kết quả này hiện đã được thử nghiệm để dự đoán tuổi thọ ở quy mô dân số quốc gia".