Cơ sở Nghiên cứu Quốc phòng Na Uy (FFI) thông báo, phát hiện xác tàu 700 tuổi dưới đáy hồ Mjosa, hồ lớn nhất Na Uy với thể tích 56 km3 nước, Smithsonian hôm 28/11 đưa tin. Hồ Mjosa thuộc một tuyến đường thương mại nhộn nhịp ít nhất từ thời Viking, nhưng giai đoạn 1940 - 1970, nơi này trở thành địa điểm vứt bỏ đạn dược thừa. Hiện tại, các nhà khoa học tiến hành lập bản đồ đáy hồ nhằm xác định vị trí đạn dược, đồng thời mong muốn tìm thấy những hiện vật cổ xưa hơn.
Sau khi phân tích hình ảnh sonar (kỹ thuật định vị dưới nước bằng sóng âm), các nhà khảo cổ cho rằng con tàu làm bằng gỗ, dài khoảng 10 m. Nó nằm ở độ sâu 410 m dưới nước. Dù các hình ảnh khá mờ, nhóm nghiên cứu vẫn có thể nhận ra đuôi tàu và ước tính con tàu được chế tạo sau những năm 1300. Trước đó, các xưởng đóng tàu chủ yếu sản xuất tàu Viking với hai đầu gần như giống hệt nhau. Sau những năm 1300, tàu thường có mũi và đuôi khác biệt.
Dựa trên hình ảnh sonar, nhóm nhà khảo cổ tin rằng những người chế tạo đã sử dụng một kỹ thuật của người Bắc Âu - xếp chồng các tấm ván của thân tàu - để khiến tàu nhẹ hơn. Các chuyên gia cũng cho rằng nó có một bánh lái trung tâm, trong khi bánh lái của tàu Viking thường nằm ở bên phải thân tàu. Con tàu có thể trang bị một cột buồm duy nhất với cánh buồm vuông, tương tự tàu Viking.
"Mjosa là hồ nước ngọt nên phần gỗ của xác tàu vẫn được bảo tồn. Kim loại có thể rỉ sét và con tàu có thể mất kết cấu, nhưng gỗ vẫn nguyên vẹn. Một con tàu tương tự như vậy sẽ không tồn tại quá vài thập kỷ nếu chìm ngoài bờ biển. Vì vậy, nếu muốn tìm tàu Viking đắm ở Na Uy thì Mjosa có lẽ là nơi tiềm năng nhất", Oyvind Odegard, nhà khảo cổ biển tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy, cho biết.
Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể dùng camera để quan sát xác tàu rõ hơn do thời tiết xấu và tầm nhìn hạn chế. Họ hy vọng sẽ nghiên cứu kỹ hơn vào năm tới.
Thu Thảo (Theo Smithsonian)
- Phát hiện tàu La Mã chìm dưới biển 2.000 năm
- Nhẫn ngọc lục bảo trong xác tàu đắm 400 năm