Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 18 đã tìm ra chủ nhân của các giải thưởng, trao giải sáng 27/11 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Giải thưởng dành cho thanh thiếu niên từ 6 đến 18 tuổi trong cả nước, tiêu chí đề tài được trao dựa trên tính mới, sáng tạo và khả năng áp dụng rộng rãi.
Từ 832 đề tài tham dự, Hội đồng giải thưởng lựa chọn 106 giải, trong đó trao 1 giải đặc biệt, 5 giải nhất, 10 giải nhì, 30 giải ba và 60 giải khuyến khích. Ngoài phần thưởng tiền mặt, các tác giả đoạt giải được tặng bằng khen của Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec).
Giải đặc biệt thuộc về Mô hình thiết bị ứng dụng sóng siêu âm để cô đặc mật ong và nước mắm ở nhiệt độ thấp của nhóm học sinh Vũ Việt Nguyên (THCS Dịch Vọng), Đặng Chí Bằng (THCS Lê Quý Đôn), Vũ Khánh Uyên (THCS Nghĩa Tân, Cầu Giấy), Hoàng Khánh An (THCS Ngô Sĩ Liên, Hoàn Kiếm) và Lê Nguyệt An (trường chuyên Hà Nội Amsterdam).
Mô hình thiết bị được chế tạo và lắp ráp gọn, đơn giản dễ vận hành, phù hợp với nhiều mô hình sản xuất, năng suất tách nước cao, có thể gia nhiệt để tăng hiệu quả tách ẩm. Việc chỉ sử dụng đầu siêu âm và gia nhiệt gián tiếp ở nhiệt độ thấp giúp đảm bảo chất lượng, không làm thay đổi màu sắc, không biến đổi hoặc mất đi các chất có trong sản phẩm. Mô hình cũng có thể áp dụng ở quy mô công nghiệp nhằm gia tăng giá trị của mật ong, nước mắm - mặt hàng nông thủy sản đặc trưng của Việt Nam.
5 đề tài được trao giải nhất được nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng huy hiệu tuổi trẻ sáng tạo. Trong đó có thể kể đến mô hình bè lọc nước bằng công nghệ sinh học của nhóm tác giả Lê Huyền Trang, Nguyễn Thùy Linh, Hà Nguyễn Gia Bảo, Nguyễn Hải Anh (THPT Hoằng Hóa 4) và Trịnh Nguyên Thành (THPT Lương Đắc Bằng), tỉnh Thanh Hóa.
Đây là mô hình bè nổi hình lục giác trồng cây thủy sinh làm từ chai nhựa tái chế góp phần lọc nước ô nhiễm tại các con sông. Nhóm đã tận dụng những chai nhựa tái chế để tạo thành chiếc bè hình lục giác nổi trên sông. Những chiếc bè hình lục giác này được trồng các loại cây thuỷ sinh (thuỷ trúc, rau muống, cỏ nến, lục bình...). Thông qua các bộ rễ, cây sẽ lọc nước liên tục, góp phần cải thiện nguồn nước. Bên cạnh đó, nhóm còn tích hợp hệ thống pin năng lượng mặt trời để bổ sung một số tính năng như hệ thống máy bơm để lọc nước qua các tầng lọc cát, sỏi, than hoạt tính, máy bơm sục khí hay hệ thống chân vịt từ xa, loa âm thanh.
Hay đề tài chế tạo đồng phục học sinh tích hợp phao cứu sinh tự động nhằm giảm thiểu tai nạn đuối nước của nhóm tác giả Nguyễn Đức Minh, Hoàng Thu Trang, Vương Hoàng Toàn, Nguyễn Ngọc Khánh Huyền, Đỗ Thị Phương (THPT Lương Đắc Bằng, Thanh Hóa).
Ở đề tài này, khăn quàng đỏ và áo sơ mi được dán thêm phần nhám gai hoặc khuy cài bấm để kết nối và cố định phao cứu sinh với khăn quàng. Phao cứu sinh được gấp nhỏ gọn và dán dính cố định vào khăn quàng nhờ miếng dán hoặc khuy cài. Bên trong phao cứu sinh là hỗn hợp 2 hóa chất C6H8O7 và NaHCO3 với khối lượng phù hợp và chất xúc tác là nước H2O. Khi cần sử dụng, người dùng tháo để nước trộn với 2 hóa chất trên sẽ tạo ra lượng khí CO2 thích hợp để làm căng túi phao.
Một tích hợp phao cứu sinh khác được gắn với áo ngực và dây lưng dành cho nữ sinh. Theo đó, túi phao cứu sinh được dán và kết nối với áo ngực bằng miếng dán hoặc khuy cài. Để bơm khí cho túi phao cứu sinh ở áo ngực, tác giả tích hợp bình khí nén CO2 . Khi sử dụng sẽ giật dây làm mở kíp bình khí nén, giải phóng khí CO2 và làm phao cứu sinh được bơm đầy. Nhóm tác giả cũng tích hợp phap cứu sinh ở dây lưng bằng việc gắn khí nén CO2 . Khi sử dụng sẽ gạt kíp làm giải phóng khí CO2 và căng túi phao.
Nhiều đề tài khác cũng được trao giải như Ứng dụng thiết bị hiện đại để mô phỏng quá trình thụ phấn, thụ tinh ở thực vật có hoa phục vụ giáo dục và nghiên cứu công nghệ sinh học, của nhóm học sinh đến từ Hà Nội gồm Lê Chí Mạnh, Nguyễn Gia Khánh (THPT chuyên Hà Nội Amsterdam), Nguyễn Nam Khánh (THCS Trưng Vương), Khuất Quang Nhật (THCS Đống Đa), Nguyễn Trọng Nghĩa (THCS Nguyễn Trường Tộ). Đề tài Ứng dụng tích phân trong cuộc sống của nhóm học sinh từ THPT chuyên Lào Cai, tỉnh Lào Cai, hay Sản phẩm trò chơi giải cứu thú cưng của nhóm học sinh trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai và trường tiêu học Lê Văn Tám, Hải Phòng.
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Vifotec cho biết, trải qua 18 lần tổ chức kể từ năm 2004, cuộc thi thu hút được hàng vạn học sinh tham gia với hơn 9.200 đề tài dự thi và hơn 1.600 đoạt giải. "Cuộc thi đã khơi dậy niềm đam mê, sáng tạo khoa học công nghệ đối với thế hệ trẻ trên cả nước, giúp các em nuôi dưỡng và thắp sáng ngọn lửa đam mê, sáng tạo công nghệ để trở thành những nhà khoa học, chủ các doanh nghiệp trong tương lai", ông Dũng nói.
Cũng tại sự kiện, bà Nguyễn Phạm Duy Trang, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, phát động Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 19 với 5 lĩnh vực: đồ dùng dành cho học tập; phần mềm tin học; sản phẩm thân thiện với môi trường; các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.
Giải thưởng Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức thường niên.
Như Quỳnh