Trong nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Scientific Reports, các nhà khoa học nhấn mạnh đây là một trong số ít mẫu vật khủng long có ruột hóa thạch gần như còn nguyên vẹn, cung cấp cái nhìn rõ hơn về sự tiến hóa của cả ruột khủng long và chim, cũng như thực đơn của chúng trong kỷ Phấn trắng sớm, Live Science hôm 25/11 đưa tin.
Hóa thạch thuộc về một loài khủng long mới trong họ Dromaeosaurid, được đặt tên là Daurlong wangi. Nó chỉ dài 1,5 m với cơ thể nhiều lông và là động vật ăn thịt sống cách đây 120 - 130 triệu năm.
Có vẻ như Daurlong wangi chuyên săn những con mồi nhỏ như cá, động vật lưỡng cư, động vật có vú và cả những con khủng long cỡ nhỏ khác. Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy một bộ xương ếch trong ruột của mẫu vật khủng long này.
Bộ xương của Daurlong wangi được tìm thấy trong hệ sinh thái cổ đại Jehol Biota ở Nội Mông, nơi nổi tiếng với nhiều hóa thạch được bảo quản tốt. Con khủng long có lẽ đã bị cuốn xuống một hồ nước và nhanh chóng bị chôn vùi dưới lớp trầm tích mịn. Tại đó, môi trường thiếu oxy, vi khuẩn hiếu khí không thể tồn tại, nên xác khủng long đã bị khoáng hóa thành hóa thạch.
Việc bảo quản mô mềm như ruột là rất hiếm đối với bất kỳ hóa thạch nào. "Đây là trường hợp đầu tiên được ghi nhận ở các loài khủng long giống chim trong họ Dromaeosaurid", đồng tác giả nghiên cứu Andrea Cau, nhà cổ sinh vật học tự do tại Parma, Italy, nhấn mạnh.
Đoàn Dương (Theo Live Science)
- Hóa thạch tiết lộ loài khủng long giống đà điểu nặng 800 kg
- Công nhân đào trúng ổ trứng khủng long 80 triệu năm