Là một phần của chòm sao Ba Giang có thể nhìn thấy từ bán cầu Nam, cặp thiên hà Arp-Madore 417-391 bị lực hấp dẫn bóp méo và xoắn thành một vòng tròn khổng lồ, khiến lõi của chúng nằm cạnh nhau, NASA hôm 25/11 cho biết trong phần mô tả hình ảnh.
Kính viễn vọng không gian Hubble đã sử dụng Máy ảnh Khảo sát Tiên tiến (ACS) để ghi lại cảnh này. Đây là thiết bị được tối ưu hóa để săn tìm các thiên hà và cụm thiên hà trong vũ trụ cổ đại. Nó đã đóng góp cho khám phá khoa học trong 20 năm và tham gia vào mọi thứ, từ lập bản đồ phân bố vật chất tối đến nghiên cứu sự tiến hóa của các cụm thiên hà.
Có khoảng 100 vành đai hợp nhất thiên hà được biết tới cho đến nay, nhưng rất ít hình thành một vòng tròn hoàn hảo như Arp-Madore 417-391. Hình dạng đối xứng hình chiếc nhẫn của nó có khả năng là do hai thiên hà có kích thước gần giống nhau, gợi ý bởi kích thước và độ sáng gần như tương tự nhau của hai vùng lõi thiên hà trong ảnh. Tuy nhiên, cơ chế chính xác về cách "chiếc nhẫn" hình thành vẫn chưa được hiểu rõ.
Các vành đai trong sự kiện va chạm thiên hà chỉ là tạm thời, thường tồn tại trong khoảng 100 triệu năm. Sau đó, các ngôi sao dần dần bị kéo trở lại trung tâm thiên hà mẹ, cuối cùng hợp nhất thành một thiên hà mới duy nhất trong khoảng từ 1 tỷ đến 2 tỷ năm sau, theo NASA.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu cho biết thêm rằng Arp-Madore 417-391 đã được đánh dấu là mục tiêu tiềm năng trong tương lai để Kính viễn vọng Không gian James Webb thực hiện các quan sát chi tiết hơn. Do đó, chúng ta có thể không phải đợi lâu để tìm hiểu thêm về chiếc nhẫn vũ trụ thú vị này.
Đoàn Dương (Theo NASA/Live Science)
- Kính James Webb chụp ảnh 'đồng hồ cát' vũ trụ
- Kính Hubble chụp ảnh 'cây cầu' nối hai thiên hà