Ngôi sao số 1 của đội tuyển Hàn Quốc, Son Heung-min xuất hiện trong trận đấu với đội tuyển Uruguay với một chiếc mặt nạ đeo trên mặt.
Chứng kiến điều này, nhiều người đã lập tức liên tưởng đến những đạo cụ hóa trang được sử dụng trong nhiều dịp lễ hội, hay khi muốn bắt chước một siêu anh hùng điện ảnh nào đó. Tuy nhiên trên thực tế, chiếc mặt nạ này không được Son sử dụng vì lý do thời trang.
Giải thích dáng vẻ kỳ lạ
Như đã biết trước đó, Son dính chấn thương khi chơi cho Tottenham trong trận đấu với Marseille ở Champions League vào đầu tháng 11. Anh bị nứt hốc mắt khi va chạm với cầu thủ đội bạn - Chancel Mbemba.
Chấn thương này khiến Son bị buộc phải thực hiện phẫu thuật để đảm bảo hồi phục hoàn toàn. Thế nhưng, điều này cũng làm dấy lên những lo ngại rằng ngôi sao 30 tuổi có thể bị loại khỏi kế hoạch tham dự World Cup của đội tuyển Hàn Quốc.
Để đảm bảo duy trì phong độ, cũng như giảm thiểu nguy cơ tiếp tục bị chấn thương, Son Heung-min đã phải sử dụng một chiếc mặt nạ đặc biệt khi thi đấu.
Ở buổi tập đầu tiên tại Qatar, Son Heung-min lần đầu tiên "trải lòng" về chiếc mặt nạ được anh sử dụng, rằng chúng "dễ chịu hơn anh nghĩ ban đầu". "Nó hơi khác cái tôi dùng ở Anh. Nó thoải mái hơn. Trừ lúc đổ nhiều mồ hôi thì không khác lắm", Son cho biết, theo Mirror.
Bí ẩn phía sau lớp mặt nạ
Theo tiết lộ của FIFA, chiếc mặt nạ được Son sử dụng trong trận đấu được làm bằng sợi carbon (carbon fibre). Thiết bị này được phép sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt, thường là khi cầu thủ đang trong quá trình điều trị từ chấn thương, mà vẫn muốn đạt được phong độ thi đấu cao.
Sợi carbon có một số lợi thế so với nhựa dẻo, bao gồm độ cứng cao, độ bền kéo cao, trọng lượng thấp, kháng hóa chất cao, chịu được nhiệt độ cao và giãn nở nhiệt thấp. Bởi vậy, chất liệu này rất phổ biến trong ngành hàng không vũ trụ, kỹ thuật dân dụng, quân sự và gần đây là thể thao.
Lợi thế lớn nhất của sợi carbon khi sử dụng làm vật liệu đeo, là giúp người đeo có được sự thoải mái, vì có trọng lượng nhẹ hơn kim loại, nhựa nhiều lần.
Bên cạnh đó, một đặc tính không thể không nhắc tới là độ cứng cao, khó biến dạng dưới tác động mạnh, cũng là điểm nhấn giúp cầu thủ đeo thiết bị này tránh được những va chạm vật lý nghiêm trọng.
Đối với một số cầu thủ, chiếc mặt nạ còn giúp họ chữa lành các vết thương trên mặt, nhằm cố định cấu trúc xương lại với nhau để chúng có thể gắn kết. Trường hợp điển hình có lẽ phải kể đến là cựu Thủ môn CLB Chelsea, Petr Cech, khi anh vẫn chưa thể hoàn toàn bình phục sau chấn thương, và phải đeo mặt nạ lẫn băng đầu trong suốt nhiều năm thi đấu sau đó.
Trong quá khứ, chiếc mặt nạ từng được làm bởi nhiều chất liệu, từ nhựa dẻo, cao su, cho tới sợi thủy tinh tổng hợp, nhôm... Tuy nhiên, những vật liệu này đều sở hữu những nhược điểm riêng, khiến cầu thủ không thật sự thoải mái khi đeo, và thậm chí gây kích ứng da ở một số trường hợp.
Năm 2014, một cuộc cách mạng đối với thiết bị đeo đã diễn ra khi Mario Mandžukić, cựu cầu thủ người Croatia lần đầu tiên chuyển sang sử dụng một chiếc mặt nạ làm bằng sợi carbon sản xuất bởi Podoactiva, công ty được biết đến nhờ chế tạo vật liệu cho lực lượng không quân.
Thiết bị được chế tạo theo cách mà ngay cả khi bị hư hỏng, nó sẽ không tạo ra các mảnh vụn có thể gây nguy hiểm cho sự an toàn của người đeo.
Cho đến nay, sợi carbon đã được sử dụng rộng rãi làm mặt nạ đeo cho cầu thủ chuyên nghiệp, không chỉ sử dụng cho những trường hợp chấn thương mắt, mà còn được thiết kế để bảo vệ nhiều loại xương trên khuôn mặt, chẳng hạn mũi, má và hốc mắt.