Hành tinh mang tên TOI-1075 b được phát hiện thông qua các quan sát từ tàu vũ trụ Vệ tinh khảo sát ngoại hành tinh chuyển tiếp (TESS) của NASA. Dữ liệu từ nhiệm vụ 4 năm tuổi này hé lộ TOI-1075 b có bề mặt siêu nóng với nhiệt độ khoảng 1.050 độ C. Điều kiện cực hạn này xảy ra khi hành tinh ở quá gần ngôi sao chủ, một ngôi sao đỏ cam nhỏ cách Trái Đất khoảng 200 năm ánh sáng. Nhưng ngoài môi trường nóng như thiêu đốt và quỹ đạo cực ngắn (14,5 giờ), TOI-1075 b còn là một trong những ngoại hành tinh có khối lượng lớn nhất. Theo thông báo hôm 8/11 của NASA, dữ liệu mới cho thấy TOI-1075 b nằm trong số các siêu Trái Đất lớn nhất từng được phát hiện.
Siêu Trái Đất thu hút sự chú ý của giới thiên văn học bởi chúng được cho là phổ biến trong dải Ngân Hà, dù không có hành tinh nào như vậy trong hệ Mặt Trời. Tuy nhiên, nếu TOI-1075 b ở gần Trái Đất hơn và con người có thể tới thăm hành tinh này, trọng lượng của họ trên bề mặt hành tinh sẽ tăng gấp 3 lần bởi TOI-1075 b lớn gấp gần 10 lần so với Trái Đất.
Nhóm nghiên cứu quốc tế đứng đầu là nghiên cứu sinh tiến sĩ Zahra Essack ở Viện Công nghệ Massachusetts tìm thấy hành tinh này nhờ phương pháp qua mặt của TESS. Nhằm phát hiện thiên thể xa xôi như TOI-1075 b, tàu vũ trụ quét bầu trời đêm để tìm thay đổi về độ sáng. Nếu ánh sáng của ngôi sao mờ đi theo chu kỳ, điều đó có thể hé lộ sự tồn tại của một ngoại hành tinh bởi mỗi lần hành tinh đi qua phía trước ngôi sao, nó sẽ chặn bớt ánh sáng sao. Phương pháp cho phép TESS quan sát ngoại hành tinh tiềm năng thứ 5.000.
Theo NASA, TOI-1075 b sẽ giúp các nhà khoa học điều chỉnh mô hình về quá trình hình thành hành tinh, qua đó dự đoán khí quyển của siêu Trái Đất và nhiều loại hành tinh khác.
An Khang (Theo Space)
- Những hành tinh kỳ lạ nhất trong vũ trụ