Bộ sưu tập gồm hơn 1.000 đồ tạo tác được tìm thấy tại Cung điện Wulong hay Cung điện Ngũ Long trên ngọn núi Võ Đang ở tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc. Đây là một ngôi đền Đạo giáo được triều đình ủy thác xây dựng vào thời nhà Đường (618 - 907) nhưng dần dần bị bỏ hoang sau thời nhà Thanh (1644 - 1911), Xinhua hôm 22/11 đưa tin.
Trưởng nhóm khai quật Kang Yuhu, nhà nghiên cứu tại Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ học tỉnh Hồ Bắc, cho biết các hiện vật có niên đại sớm nhất từ thời nhà Hán (202 TCN - 220), bao gồm đồ gốm và các thành phần xây dựng bằng kính, đồ dùng như đèn nến và cặp tóc, cũng như một số vật phẩm tôn giáo.
Đáng chú ý trong đó là các bức phù điêu mô tả 5 con rồng, thần Hắc Đế hay Huyền Vũ (một vị thần quan trọng của Đạo giáo), hoa văn lửa và một con thỏ ngọc đang giã thảo dược.
Kang cho biết bức phù điêu 5 con rồng được triều đình tạo nên và sử dụng cho nghi lễ "ngũ rồng cầu mưa". Các bậc thang bằng đá xung quanh cho thấy nó từng là một phần của bàn thờ có khả năng tổ chức những cuộc tụ họp lớn.
Các phần của Cung điện Wulong bắt đầu được khai quật vào năm 2020. Công trình đồ sộ trải rộng 49.000 m2 này là một trong những cung điện và đền thờ Đạo giáo cổ nhất trên núi Võ Đang, Di sản Thế giới được UNESCO công nhận vào năm 1994.
Đoàn Dương (Theo Xinhua)
- Kho đồ bạc chôn dưới đất 1.100 năm
- Phát hiện hơn 8.400 đồng tiền cổ