Theo Sci-News, loài khủng long mới được phát hiện sống ở Nội Mông - Trung Quốc vào đầu kỷ Phấn Trắng, khoảng 120-130 triệu năm về trước. Được đặt tên là Daurlong wangi, quái vật này là một loại dromaeosaurid (khủng long giống chim) cỡ trung, thường ăn cá, động vật có vú và các loài khủng long nhỏ khác.
Hóa thạch lộ diện ở địa điểm Jehol Biota nổi tiếng, một hệ sinh thái nước ngọt và trên cạn kỷ Phấn Trắng được bảo tồn trong khối đá khổng lồ nhiều lớp ở phía Tây tỉnh Liêu Ninh và các khu vực lân cận ở miền Đông Bắc Trung Quốc.
Tiến sĩ Xuri Wang từ Viện Địa chất thuộc Học viện Khoa học Địa chất Trung Quốc, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: "Khu Jehol Biota đã cung cấp sự đa dạng phong phú của các loài dromaeosaurid. Sự phong phú của chúng, có thể được giải thích về mặt sinh thái với giả định là để tránh cạnh tranh tài nguyên trực tiếp".
Con Daurlong wangi vừa được khai quật có hài cốt gần như hoàn chỉnh, lộ ra ở địa danh Đồi Bồ câu của Hệ tầng Long Giang thuộc Nội Mông, thậm chí còn nguyên một bộ xương ếch hóa thạch bên trong ruột. Chiều dài khi còn sống của nó khoảng 1,5 mét.
Con ếch xấu số là một kho báu thực sự. "Việc tái tạo lại đường tiêu hóa ở các loài đã tuyệt chủng, bao gồm cả khủng long, có thể được suy ra gián tiếp, từ những gì còn sót lại trong ruột" - các tác giả viết trong bài công bố trên Scientific Reports.
Đây cũng là con dromaeosaurid đầu tiên được tìm thấy với phần đường ruột nguyên vẹn ngoài mong đợi.
Việc tái tạo hình dáng của nó cũng sẽ cung cấp nhiều điều thú vị. Với các loài dromaeosaurid khác từng được tìm thấy, hình ảnh tái tạo cho thấy nó giống chim nhiều hơn khủng long, nhưng là một con chim quái vật giống kiểu các phiên bản lai tạo trong phim kinh dị, với móng vuốt sắc và cặp chân khỏe, đôi cánh teo nhỏ, "dung nhan" khá đáng sợ.
Tuy nhiên dromaeosaurid vẫn là bò sát, một con khủng long 100% về mặt di truyền.
Theo
nld.com.vn