Sau hơn 3 năm bay vòng quanh Trái Đất, vệ tinh LightSail 2 của Hiệp hội Hành tinh chấm dứt hoạt động, rơi xuống khí quyển và cháy rụi, New Atlas hôm 18/11 đưa tin. Vệ tinh này là phương tiện thử nghiệm quan trọng cho ý tưởng buồm Mặt Trời, công nghệ có thể giúp đưa tàu vũ trụ bay đến các ngôi sao khác.
Tháng 6/2019, LightSail 2 phóng lên không gian nhờ tên lửa Falcon Heavy của SpaceX, đi vào quỹ đạo ban đầu ở độ cao khoảng 720 km. Ở độ cao này, khí quyển Trái Đất vẫn đủ dày để tạo ra lực kéo, dần dần kéo vệ tinh xuống thấp.
Tuy nhiên, khả năng đặc biệt của LightSail 2 đã phát huy tác dụng. Dù chỉ lớn tương đương hộp đựng giày, LightSail 2 đã mở ra một tấm phản chiếu lớn gọi là buồm Mặt Trời rộng 32 m2. Ý tưởng của nhóm thiết kế là các photon từ ánh sáng Mặt Trời đập vào cánh buồm này và tạo ra một lực đẩy cực nhỏ, cho phép con tàu thay đổi quỹ đạo.
LightSail 2 đã thể hiện tốt ý tưởng này. Trong hơn 3 năm, vệ tinh hoàn thành khoảng 18.000 vòng quỹ đạo, bay được 8 triệu km và liên tục điều chỉnh quỹ đạo để duy trì trạng thái bay trên cao. Nhưng cuối cùng, đến ngày 17/11, lực kéo cũng chiến thắng và kéo vệ tinh rơi trở lại Trái Đất.
"Trong nhiệm vụ mở rộng của mình, LightSail 2 tiếp tục giúp chúng tôi hiểu thêm về buồm Mặt Trời và cũng đạt được hiệu quả cao nhất trong hoạt động buồm Mặt Trời của mình, nhưng sau đó, lực kéo khí quyển tăng lên, một phần do Mặt Trời ngày càng hoạt động mạnh. Vệ tinh giờ đã không còn, nhưng việc phân tích dữ liệu và chia sẻ kết quả sẽ tiếp tục diễn ra", Bruce Betts, quản lý chương trình LightSail, cho biết.
Dữ liệu từ LightSail 2 cung cấp thông tin cho các nhiệm vụ buồm Mặt Trời trong tương lai, bao gồm cả vệ tinh NEA Scout. Vệ tinh này phóng lên không gian trong nhiệm vụ Mặt Trăng Artemis I của NASA hôm 16/11. NEA Scout sẽ bay tới tiểu hành tinh 2020 GE và chụp ảnh cận cảnh. Vệ tinh dự kiến đến đó bằng cách sử dụng một cánh buồm Mặt Trời rộng 86 m2, lớn gấp hơn 2,5 lần LightSail 2. Trong dài hạn, các nhà khoa học tin rằng những cánh buồm ánh sáng kết hợp với laser cực mạnh có thể giúp tàu vũ trụ của con người tiếp cận các hệ sao khác chỉ trong vòng 20 năm.
Thu Thảo (Theo New Atlas)
- Tàu vũ trụ NASA bay tới Mặt Trăng nhìn từ vệ tinh
- Vệ tinh liên lạc lớn nhất thế giới