Mặc dù có khí hậu nhiệt đới ẩm, song theo thống kê, bình nước nóng là một trong những thiết bị gia dụng phổ biến nhất tại Việt Nam.
Ngày nay, dễ thấy hầu như tất cả các hộ gia đình từ nông thôn tới thành thị đều sở hữu ít nhất là một bình nước nóng nhằm đảm bảo nhu cầu sinh hoạt. Có gia đình thậm chí trang bị tới vài bình nước nóng để thêm phần tiện lợi.
Mỗi khi thời tiết chuyển lạnh, nhu cầu sử dụng bình nước nóng tại các hộ gia đình lại tăng đột biến. Tuy nhiên, ý thức về an toàn khi sử dụng bình nước nóng lại là điều mà không phải ai cũng nắm được.
Mới đây tại Hà Nội, một bé trai 10 tuổi đã tử vong nhiều khả năng do bị điện giật khi đang tắm. Thông tin này khiến nhiều phụ huynh lo lắng vì không biết làm thế nào để tránh nguy cơ đối mặt "tử thần" khi mùa lạnh chỉ mới bắt đầu.
Nhiều nguyên nhân dẫn tới bị giật điện khi tắm
Trao đổi với PV TinCongNghe, ông Lê Hồng - một chuyên gia về điện sống tại Hà Nội cho biết, có rất nhiều nguyên nhân xảy ra tình trạng điện rò vào nước, và nếu chỉ là một người dùng thông thường, sẽ rất khó để xác định.
Trong đó, nguyên nhân thường gặp là do bình nóng lạnh sau một thời gian sử dụng, các bộ phận, chi tiết bên trong đã cũ và không thể hoạt động hiệu quả như lúc mới, khiến tình trạng rò điện xảy ra.
Ngay cả khi bình nước nóng có lắp kèm bộ phận aptomat chống giật cũng không thể loại trừ hoàn toàn khả năng xảy ra sự cố.
"Dẫu bình nóng lạnh ngày nay đều được thiết kế hệ thống chống ngắt điện tự động khi nước đã đủ nhiệt, tuy nhiên điều này không ngăn được việc điện rò vào nước", ông Hồng cho biết.
"Ngoài ra, chưa kể tới trường hợp bộ phận aptomat chống giật bị hỏng và người dùng không kịp thời phát hiện để sửa chữa, thay thế".
Một lý do khác cũng được nhắc tới, đó là mặc dù aptomat được làm ra để chống chập điện, chống giật, nhưng trên một số bình nóng lạnh đời cũ - đặc biệt là trên những sản phẩm có nguồn gốc không rõ ràng, sản phẩm đã qua sử dụng... thì bộ phận chống giật đó chỉ "lắp cho đẹp", hoặc công năng không đạt tiêu chuẩn an toàn.
Hệ quả là điện có thể rò vào nước bất cứ lúc nào mà không thể biết trước, dẫn tới nguy cơ tử vong rất cao. Vậy, làm thế nào để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bản thân và gia đình mỗi khi sử dụng bình nóng lạnh?
Tắt bình nóng lạnh trước khi tắm
Tắt bình nóng lạnh khi đã đủ nhiệt độ là điều được khuyến cáo đầu tiên, vì đơn giản là nó sẽ loại bỏ gần như toàn bộ nguy cơ điện rò vào nước trong quá trình tắm. Điều này càng trở nên cần thiết nếu gia đình bạn sử dụng các bình nước nóng đời cũ, không được thiết kế aptomat chống giật đi kèm.
Bảo trì định kỳ thiết bị điện và aptomat
Về cơ bản, bình nóng lạnh là thiết bị điện ít có nguy cơ bị hỏng, nhưng nếu có vấn đề, hậu quả sẽ rất tai hại.
Một số hiện tượng bất thường của bình nóng lạnh như phát ra mùi lạ, xuất hiện vệt cháy xém tại dây dẫn, vỏ bình, nước từ bình không được trong... Đây đều có thể là những dấu hiệu cho thấy quá trình sử dụng lâu ngày đã làm thanh đốt bên trong bình bị hao mòn, dẫn đến chập điện.
Nếu phát hiện ra những dấu hiệu trên, cần ngay lập tức ngưng sử dụng bình nước nóng, và liên hệ với cơ sở bảo hành, sửa chữa thiết bị điện để kịp thời đối phó với những hậu quả có thể xảy ra. Bạn cũng nên chủ động bảo dưỡng định kỳ các thiết bị điện trong gia đình sau từ 6 tháng đến 1 năm sử dụng.
Tránh mua thiết bị cũ, không rõ nguồn gốc
Bình nước nóng và aptomat chống giật là những thiết bị cần có sự ưu tiên về yếu tố chất lượng. Bạn không nên lựa chọn những sản phẩm đã quá cũ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Trước khi mua bình nước nóng, ngoài việc căn chỉnh yếu tố phù hợp với nhu cầu sử dụng, nên tìm hiểu kỹ về nguồn gốc sản phẩm, hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, người thân... Nếu mua bình nước nóng cũ, cần kiểm tra kỹ vỏ hộp, tem dán trên vỏ, kiểm tra bên trong bình...