Con cá voi dài 7,6 m dạt vào bãi biển Sangatte ở miền bắc nước Pháp vào hôm 7/11. Nó vẫn còn sống khi mắc cạn, nhưng bị thương. Các chuyên gia đã hy vọng thủy triều dâng lên kịp thời để giúp con vật quay trở lại biển, nhưng nó đã chết vài giờ sau đó.
Jacky Karpouzopoulos, người đứng đầu hiệp hội bảo vệ các loài động vật có vú hoang dã CMNF, cho biết sự xuất hiện của cá voi mũi chai phương Bắc ở Pháp là đặc biệt hiếm gặp. "Tôi chưa từng thấy điều gì giống như vậy trong 40 năm làm việc", ông nói.
Theo Thierry Jauniaux, chuyên gia về động vật biển có vú tại Đại học Liege của Bỉ, loài cá voi mõm khoằm này thường sống dưới vùng nước sâu quanh Bắc Cực.
Cá thể dạt vào bờ biển Pháp là một con cái, nặng 3,5 tấn. Nó có lẽ đã mắc cạn trên bãi biển do bị mất phương hướng.
"Hiện tượng này có thể là do ô nhiễm, sự xuất hiện của bệnh mới, hoặc lưu lượng giao thông trên biển tăng làm thay đổi hành vi của cá voi", Karpouzopoulos nói với AFP.
Vào tháng 2, một con cá voi lưng gù cái dài 9,5 m đã được phát hiện chết trên bãi biển phía bắc nước Pháp, một sự kiện cũng được coi là "bất thường" khác.
Mùa xuân năm nay còn chứng kiến một con cá voi sát thủ bơi lạc trên sông Seine và chết không lâu sau đó, bất chấp nỗ lực giải cứu của nhóm bảo vệ sinh vật biển NGO Sea Shepherd.
Cá voi mũi chai phương Bắc (Hyperoodon ampullatus) có thể phát triển tới chiều dài gần 10 m khi trưởng thành và nặng từ 5.800 – 7.500 kg. Chúng nổi tiếng là một trong những loài động vật có vú lặn sâu nhất, đạt tới 2.339 m bên dưới mặt nước.
Đoàn Dương (Theo AFP)
- Xác cá voi lưng gù phồng to như quả bóng
- Gần 500 cá voi hoa tiêu chết do mắc cạn