Một đoạn clip ngắn được ghi lại ở Khu bảo tồn Quốc gia Kruger (Nam Phi), cho thấy sư tử cố rình bắt một đàn trâu rừng, nhưng rốt cuộc lại trở thành kẻ bị truy đuổi.
Đây là điều khá dễ hiểu, bởi sư tử vốn dĩ là kẻ đi săn theo bầy. Nếu bị bỏ lại đơn lẻ, sư tử sẽ rất khó để xoay xở khi chạm trán với những kẻ địch mạnh mẽ, điển hình như trâu rừng.
Trong đoạn video con sư tử vội vàng lao lên một thân cây đổ, và mắc kẹt tại đó trong nhiều giờ đồng hồ, do bầy trâu khép chặt vòng vây và không cho nó một lối thoát.
Theo thống kê từ Kruger, trâu rừng châu Phi được ước tính chiếm khoảng 62% lượng thức ăn của sư tử. Tuy nhiên, chúng cũng chính là loài khiến sư tử phải bỏ mạng nhiều nhất, hoặc nhận về những vết thương chí tử.
Đó là bởi thông thường phải có nhiều con sư tử hợp sức với nhau mới quật ngã được một con trâu trưởng thành. Tuy nhiên, trâu rừng cũng là loài rất đoàn kết, khi luôn "dựa vào nhau mà sống".
Chúng ta thường bắt gặp trâu rừng chủ động di chuyển theo bầy lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm cá thể. Đây vừa là cách kiếm ăn hiệu quả, và cũng là vũ khí hiệu quả giúp chúng chống lại những kẻ săn mồi trong tự nhiên.
Sừng trâu trưởng thành là đặc điểm tiêu biểu của loài. Không chỉ sắc nhọn, chúng gần như tạo thành một lá chắn bằng xương trên đầu của trâu, giúp nó thêm phần an toàn khi đối đầu với các loài thú săn mồi.
Kích thước cũng là một trong những trở ngại lớn đối với tất cả những kẻ đi săn nếu muốn hạ gục trâu rừng. Với thân hình vạm vỡ, cơ bắp, và trọng lượng lên tới 1 tấn, không phải ngẫu nhiên mà trâu rừng được ví như cỗ xe tăng kiên cố đủ sức hất văng mọi kẻ thù.
Trong trường hợp không thể lui bước, trâu sẽ không ngần ngại mà tham gia vào cuộc chiến "một mất một còn" với kẻ thù. Có trường hợp từng ghi nhận trâu rừng giết chết một con sư tử, và đuổi các thành viên khác lên cây, sau khi sư tử cắn chết một thành viên của đàn.