Khi một cổ phiếu lớn lao dốc, các nhà đầu tư thường được khuyên xem xét hiệu suất sinh lời lâu dài. Tuy nhiên, trong trường hợp của Meta - gã khổng lồ mất gần 25% giá trị thị trường vào ngày 27/10, cách thức trên gần như không giúp ích được gì.
Nếu bạn mua cổ phiếu Meta cách đây 5 năm, thời điểm công ty vẫn là Facebook, thì hiện tại, tài khoản bạn đã bốc hơi khoảng 49%. Như vậy, Meta không những không phát huy được tiếp vai trò của mình như một công ty công nghệ thiết yếu, mà ngược lại, còn quay trở lại vạch kẻ hồi năm 2015.
Meta không giống như nhiều cổ phiếu khác. Nó là một phần của FAANG - nhóm các công ty công nghệ được cho là “bất khả chiến bại”. Cùng với Facebook, Phố Wall có Amazon, Apple, Netflix và Alphabet, công ty mẹ của Google. Hầu hết đều được coi là những khoản đầu tư an toàn bởi chúng phản ánh rõ nhất tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, từ bán lẻ, giải trí cho đến điện thoại thông minh. Vốn hóa những Big Tech này cũng quá lớn để có thể sụp đổ.
Tuy nhiên, sang đến năm 2022, dù FAANG vẫn đóng góp hơn 13% giá trị cho rổ chỉ số S&P 500, thời hoàng kim của những gã khổng lồ này dường như đã kết thúc. Kết thúc vì Meta và sự hoài nghi ngày càng lớn về tầm nhìn của một vị Giám đốc điều hành ôm mộng metaverse mơ hồ, non trẻ. Kết thúc vì các nhà đầu tư cũng đã bắt đầu thay đổi suy nghĩ về lời hứa tăng trưởng dài hạn của các tập đoàn công nghệ, trong khi lợi nhuận vài quý trở lại đây lại không mấy khả quan.
Dù mức giảm giá trị vốn hóa trong 12 tháng qua không sâu bằng Meta, song hầu hết các FAANG đều đã phải trải qua giai đoạn khó khăn, với mức giảm trung bình từ 40% đến 60%.
“Các nhà đầu tư đang gặp khủng hoảng về niềm tin tăng trưởng. Những người từng rót tiền vào Big Tech thì cho rằng đà suy giảm “có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm”, Gene Munster, đồng sáng lập của Loup Ventures, một công ty đầu tư công nghệ, cho biết.
Lo lắng của giới đầu tư đối với Meta đã hình thành trong nhiều tháng. Ngay từ đầu năm, công ty này đã chứng kiến đà sụt giảm tệ nhất trong lịch sử chứng khoán Mỹ khi bốc hơi hơn 251 tỷ USD vốn hóa. Tuy nhiên trên hết, Meta vẫn cam kết đầu tư nhiều hơn vào công nghệ để tạo điều kiện chuyển đổi sang metaverse - một thế giới kỹ thuật số nhập vai còn đang ở thuở sơ khai.
Trước những lời nhận xét tiêu cực về tầm nhìn của mình, Mark Zuckerberg cho rằng "thường sẽ có một vài phiên bản lỗi trước khi một sản phẩm trở thành xu hướng". Vẫn có những người đặt niềm tin vào Meta trong dài hạn, trong đó có Gene Munster. Ông tin rằng nếu có một bước tiến lớn cho mạng xã hội ngoài chiếc điện thoại di động, chỉ Meta và một vài công ty lớn khác mới có thể nắm bắt cơ hội.
Tuy nhiên, thông điệp từ giới đầu tư đến nay đã rõ. Họ không muốn mạo hiểm đánh cược vào một thứ gì đó, để rồi nhiều năm sau mới có thể thu hồi vốn. Bản thân những nhà đầu tư này cũng chỉ muốn rót vốn vào những công ty có hiệu suất sinh lời tốt hơn.
Đây là cách tiếp cận thông thường, song không phải lúc nào cũng đúng với các Big Tech. Những tập đoàn không ngừng thay đổi cho đến khi đạt tốc độ tăng trưởng như ý, chẳng hạn như Amazon, từ một trang web sách trực tuyến đã trở thành nhà bán lẻ tích hợp điện toán đám mây lớn nhất nước Mỹ. Facebook từng chỉ là trang chủ dành cho sinh viên đại học, nhưng sau đã biến thành nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới với cơ số các tính năng, từ nhắn tin, hình ảnh đến video.
“Facebook đã chứng tỏ khả năng của mình, từ con số không đến vị thế đạt được mọi thứ nó muốn. Câu hỏi đặt ra là liệu Facebook có thể làm điều này một lần nữa không? Có rất nhiều sự hoài nghi ở ngoài kia”, Marshall Front, giám đốc đầu tư của Front Barnett Associates cho biết.
Hoài nghi này xuất phát từ việc Meta rót tiền vô tội vạ vào metaverse, trong khi hoạt động kinh doanh cốt lõi lại đang chậm lại. Từ năm 2013 đến năm 2021, Meta đạt mức tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm khoảng 42%. Sang đến năm nay, doanh số tập đoàn này dự kiến giảm 1%, theo ước tính trung bình của các chuyên gia phân tích. Nguyên nhân đến từ sự cạnh tranh khốc liệt của TikTok và nỗi lo cắt giảm chi tiêu mạnh hơn của các nhà quảng cáo trong bối cảnh suy thoái. Điều này cũng đè nặng lên các công ty truyền thông xã hội khác, chẳng hạn như Snap.
Sự lung lay trong niềm tin của các nhà đầu tư càng tăng lên gấp bội khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED quyết định tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Điều này tác động đặc biệt mạnh đến các công ty công nghệ, bởi định giá của những Big Tech này hoàn toàn dựa trên lời hứa về lợi nhuận trong tương lai. Khi lãi suất tăng cao, chắc chắn các nhà đầu tư sẽ không sẵn sàng xuống tiền để đặt cược vào những khoản lợi nhuận kém chắc chắn.
Theo Bloomberg, đây không phải lần đầu tiên cổ phiếu các Big Tech bị bán tháo nhiều đến thế. Trước đó, vào thời điểm đại dịch bùng phát, vốn hóa các công ty này cũng lao đao trước khi ghi nhận đà tăng trưởng kỷ lục. Hồi năm 2018, việc FED quyết định tăng lãi suất cũng tác động tiêu cực lên giá cổ phiếu công nghệ.
Tuy nhiên, đã 11 tháng kể từ đợt bán tháo gần nhất. Rất ít tín hiệu cho thấy đà sụt giảm này sẽ kết thúc trong tương lai gần. Lạm phát vẫn gia tăng và các quan chức FED cảnh báo sẽ không từ bỏ chính sách cũ cho đến khi giá cả hạ nhiệt.
“Các nhà đầu tư đã đặt câu hỏi liệu việc đầu tư vào metaverse có khiến Meta phân tâm và lơ là các mục tiêu tăng trưởng khác. Họ đã vội vàng đưa ra lời cam kết quá lớn”, Scott Kessler, trưởng bộ phận toàn cầu về công nghệ tại nhà nghiên cứu đầu tư Third Bridge, nói về Meta.
Theo: Bloomberg
Lấy link