Hai năm trước, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, cú bán tháo của thị trường đã khiến giá trị vốn hóa của Amazon rơi xuống dưới mốc 1.000 tỷ USD. Tuy nhiên, khi đại dịch đã trở thành dĩ vãng, cú bán tháo của thị trường tiếp tục khiến các công ty công nghệ gặp khó. Sụt giảm 5,5% trong phiên giao dịch ngày 1/11, cổ phiếu Amazon hiện chỉ còn 96,79 USD, tương ứng với giá trị vốn hóa là 987,4 tỷ USD.
96,79 USD cũng là con số mà người ta không còn nhìn thấy ở cổ phiếu Amazon kể từ tháng 4/2020, thời điểm đại dịch bắt đầu bùng phát trên quy mô toàn cầu. Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm nay, cổ phiếu Amazon cũng đã giảm 42% giá trị. Ở đỉnh ngày 18/11/2021, giá trị vốn hóa của Amazon lên tới gần 1,9 tỷ USD.
Amazon vừa trải qua 5 phiên giảm liên và khiến 20% thị giá bị thổi bay trong giai đoạn này. Trong khi đó, Nasdaq, chỉ số chủ yếu là các cổ phiếu công nghệ, giảm 1% trong phiên giao dịch hôm qua.
Báo cáo doanh thu quý là một trong những lý do khiến cổ phiếu Amazon bị bán tháo. Tuần trước, doanh nghiệp có trụ sở tại Seattle dự báo công ty sẽ có quý nghỉ lễ tăng trưởng chậm nhất lịch sử. Cụ thể, mức tăng trưởng được dự báo chỉ là 2 tới 8% trong mùa mà trước đây luôn là cao điểm của Amazon.
Tuy nhiên, không chỉ Amazon mà nhiều cổ phiếu công nghệ khác đều bị bán tháo suốt những năm 2022. Lo ngại về tốc độ tăng trưởng chậm lại trong khi lãi suất tăng mạnh, các nhà đầu tư đồng loạt bán tháo cổ phiếu công nghệ. Sự bất ổn kinh tế đè nặng lên các cổ phiếu được định giá cao.
Hầu hết mức tăng trưởng trong đại dịch, một thời kỳ tiền rẻ, đã bị thổi bay khỏi giá trị vốn hóa của Amazon và các cổ phiếu công nghệ. Tuy nhiên, Amazon không phải nạn nhân lớn nhất. Cổ phiếu một gã khổng lồ công nghệ khác là Facebook đã giảm 70% giá trị so với đỉnh.
Điều đó càng trở nên đáng buồn hơn khi chứng khoán Mỹ vừa trải qua tháng 10 rực rỡ, với tất cả các chỉ số chính đều tăng điểm, chấm dứt 2 tháng liên tiếp bị bán tháo. Chỉ riêng Dow Jones, mức tăng của tháng 10 đã lên tới gần 14%, điều chưa từng đạt được kể từ tháng 1/1976.
Dẫu vậy, Dow Jones vẫn giảm gần 10% so với đầu năm, S&P 500 thì giảm 20% (dù tăng 8% trong tháng 10) còn Nasdaq giảm tới 30% (ngay cả khi phục hồi 4%) trong những tháng vừa qua của năm 2022.
Trong phiên giao dịch ngày 1/11, thị trường chứng khoán Mỹ biến động không đáng kể. Dow Jones giảm 79,75 điểm, tương đương 0,24%. S&P 500 cũng giảm 15,88 điểm, tương đương 0,41% còn Nasdaq giảm 0,89%.
Diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ dường như phản ánh tâm lý của các nhà đầu tư, những người đang chờ đợi cuộc họp chính sách của FED, dự kiến diễn ra trong ngày 2-3/11. Hầu hết các nhà phân tích đều đồng thuận rằng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất 0,75% trong lần này. Tuy nhiên, họ muốn biết quan điểm của FED trong cuộc họp tháng 12 tới.
Tham khảo: Bloomberg
Lấy link