Ở phía Bắc Đồng bằng sông Hồng là nhà máy của một trong những công ty có tham vọng nhất thế giới về xe điện (EV). Bên ngoài nhà máy của VinFast ở thành phố cảng Hải Phòng, những ngư dân đội nón lá vẫn ra bãi bồi để nuôi cá; bên trong, một dây chuyền lắp ráp băng tải công thái học đang hoạt động nhộn nhịp. 1.250 cánh tay robot liên tục xoay qua lại, lắp rắp 3.000 bộ phận xe và sử dụng hết đinh tán này đến đinh tán khác.
Mọi thứ ở đây đều có chất lượng hàng đầu: máy móc có nguồn gốc từ Đức, Nhật Bản, Thụy Điển. Quá trình hàn được tự động hóa 98%. Công suất 250.000 xe một năm. Điều ấn tượng là thay vì các dây chuyền lắp ráp riêng lẻ được thiết kế riêng cho từng loại xe, cơ sở này có thể lắp ráp đồng thời nhiều mẫu xe trên cùng một dây chuyền. Ấn tượng hơn nữa, khu đất rộng 335 hecta có khoảng 150-160 hecta nằm mở rộng ra biển và tổ hợp nhà máy đi vào hoạt động chỉ trong 21 tháng.
CEO VinFast toàn cầu, bà Lê Thị Thu Thủy, nói đùa rằng ngay cả những gã khổng lồ ở Mountain View, Califonia, cũng không thể theo kịp tốc độ nhanh như chớp của nhà sản xuất xe điện. “Ban đầu, mọi người đều nói rằng việc chế tạo ô tô trong hai năm là không thể. Một số thậm chí còn gọi chúng tôi là điên rồ. Nhưng chúng tôi đã tung ra ba mẫu xe hơi trong 21 tháng đó."
Thị trường xe điện toàn cầu được định giá 185 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ tăng 24,5% mỗi năm để đạt 980 tỷ USD vào năm 2028. VinFast không đơn độc trong việc cạnh tranh "miếng bánh" đó và đang tích cực nhắm đến thị trường ô tô Mỹ và châu Âu. Đó là một mục tiêu không nhỏ: Trung Quốc chiếm khoảng một nửa thị trường xe điện toàn cầu, nhưng vẫn chưa có công ty nào của họ thử sức với thị trường Mỹ mặc dù đã đầu tư hàng chục triệu đô la vào các nghiên cứu.
Ngày nay, thị trường xe điện ở Mỹ gần như thuộc về Tesla, trị giá khoảng 850 tỷ USD, và biến nhà đồng sáng lập Elon Musk trở thành người giàu nhất thế giới. Làm thế nào để một công ty mới đến từ Việt Nam thực sự kỳ vọng sẽ cạnh tranh được?
Đó là một thách thức lớn. Nhưng VinFast là một thành viên của tập đoàn Vingroup, được điều hành bởi người đàn ông giàu nhất Việt Nam, Phạm Nhật Vượng, Vingroup là tập đoàn lớn nhất cả nước, với tổng giá trị thị trường là 24,4 tỷ USD. Doanh thu năm 2020 của Vingroup chiếm 2,2% GDP quốc gia và phạm vi của tập đoàn thật đáng kinh ngạc.
Một người Việt có thể được sinh ra trong bệnh viện VinMec, học trường VinSchool, sống ở VinHomes, mua sắm tại trung tâm thương mại VinCom, tốt nghiệp VinUni, nghỉ dưỡng tại VinPearl, và có thể trở thành một trong 40.000 nhân viên tập đoàn.
Và giờ đây, họ có thể đi lại bằng một chiếc ô tô điện của VinFast, xe điện đã nổi lên như một phương tiện đưa tham vọng của công ty nhảy vọt từ nội địa sang quốc tế. Vào tháng 6 năm 2018, VinFast đã mua một nhà máy của GM bên ngoài Hà Nội và bằng các giấy phép sở hữu trí tuệ từ GM và các đại gia ô tô khác như BMW, họ bắt đầu sản xuất những chiếc xe VinFast chạy xăng đầu tiên chưa đầy một năm sau đó. Nhờ cách tiếp thị thông minh và chi phí thấp, chúng đã trở nên vô cùng phổ biến, chiếm 17% đến 19% thị phần của mỗi phân khúc thị trường trong nước. Những chiếc xe xăng cũng là bước học tập cần thiết cho sau này.
Bắt đầu từ tháng 8, VinFast sẽ chuyển sang sản xuất hoàn toàn xe điện. Công ty cũng chuẩn bị xây dựng một nhà máy trị giá 4 tỷ USD ở Bắc Carolina và đang có kế hoạch cho một nhà máy ở châu Âu. Khu đất rộng khoảng 800 hecta ở Hạt Chatham dự kiến sản xuất 150.000 xe điện hàng năm bắt đầu từ tháng 7 năm 2024, tạo ra 7.500 việc làm.
Đây là khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong lịch sử tiểu bang và cho thấy quy mô tham vọng của VinFast, đó là “trở thành một trong những nhà sản xuất xe điện hàng đầu toàn cầu trong vòng 5 đến 10 năm”, bà Thủy, Phó chủ tịch Vingroup cho biết. "Chúng tôi nghĩ rằng mình có thể giỏi ngang bất kỳ ai trên thế giới."
Vào ngày 14/7, VinFast đã khai trương sáu showroom ở nước ngoài đầu tiên tại California, trong đó có một cửa hàng cao cấp ở Santa Monica. Hai mẫu xe đầu tiên của hãng dành cho thị trường Mỹ là những chiếc SUV có kiểu dáng đẹp, VF7 và VF8. Michael Dunne, nhà sáng lập công ty thăm dò thị trường ZoZoGo EV, cho biết: “Đó là một chiếc xe tốt, không có tiếng kêu hay bất cứ thứ gì cho thấy có vấn đề. Nhưng thị trường Mỹ không dành cho những người yếu đuối."
VinFast muốn thu hút người mua xe điện ở Mỹ bằng một đề xuất độc đáo: bảo hành 10 năm và giá bán lẻ chưa bao gồm chi phí pin — một trong những thành phần đắt nhất của xe điện. Thay vào đó, người mua sẽ có tùy chọn thuê pin từ công ty với một khoản phí nhỏ hàng tháng. Khi thời lượng pin giảm xuống còn 70%, người dùng xe VinFast sẽ được đổi miễn phí bằng pin mới.
Đó là một nước đi táo bạo trong lĩnh vực xe điện cực kỳ cạnh tranh. Nhưng bất chấp sự non trẻ, VinFast có túi tiền sâu hơn so với nhiều công ty mới gia nhập thị trường xe điện. Cho đến nay, Vingroup đã đầu tư 6,6 tỷ USD vào VinFast và tập hợp một đội ngũ lãnh đạo được săn đón từ các hãng như Ford, Renault, GM và BMW. Kiểu dáng thiết kế do Pininfarina của Ý chấp bút; bảng điều khiển của LG; pin của Samsung. Shaun Calvert, Phó Giám đốc điều hành phụ trách sản xuất của VinFast, trước đây làm việc cho GM, cho biết: “Chúng tôi đã mua bản quyền từ BMW và vì vậy đó sẽ trở thành tiêu chuẩn mà chúng tôi thực hiện.”
Công ty cũng có sự ủng hộ từ những nhân vật quan trọng. Vào cuối tháng 3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tweet rằng các kế hoạch đầu tư của VinFast tại Mỹ là “ví dụ mới nhất về chiến lược kinh tế của tôi”.
Trong vòng vài ngày, VinFast cho biết họ đã có gần 10.000 đơn đặt trước từ khách hàng ở Mỹ “Chúng tôi nói đùa rằng Tổng thống Biden là nhân viên bán hàng giỏi nhất mà chúng tôi từng có và chúng tôi không phải trả lương”, bà Thủy nói. Không dừng lại ở đó. Khi bà Thủy tham dự hội nghị đầu tư SelectUSA vào cuối tháng 6, bà rất vui mừng khi phần lớn bài phát biểu dài 5 phút của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo là dành riêng cho VinFast. “Tôi rất ngạc nhiên trước mức độ hỗ trợ mà chúng tôi nhận được từ chính phủ Mỹ.”
Trung tâm của tham vọng này là Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch tập đoàn Vingroup. Tài năng toán học giúp ông được học bổng du học ở trường Đại học Thăm dò địa chất Liên bang Nga. Sau đó ông chuyển đến Kharkiv, nơi ông mở một nhà hàng Việt Nam. Nhưng ngay sau đó, ông đã chuyển sang sản xuất mì ăn liền có hương vị pha trộn gia vị từ quê hương của mình, cuối cùng xuất khẩu từ Ukraine sang 29 quốc gia. Ngày nay, thương hiệu do ông sáng lập, Mivina, vẫn được xem như từ chung chỉ thực phẩm ăn liền ở Ukraine. Năm 2010, ông Vượng bán công ty của mình cho Nestlé với giá 150 triệu USD, trở về Việt Nam sẵn sàng cho một thử thách mới.
Dự án kinh doanh trong nước đầu tiên của ông là khu nghỉ dưỡng ven biển Vinpearl trên đảo Hòn Tre ngoài khơi Nha Trang. Theo sau đó là một loạt các phát triển bất động sản sang trọng, bao gồm Ocean Park, một khu phức hợp gồm 45.000 biệt thự và căn hộ xung quanh bãi biển nhân tạo ở trung tâm Hà Nội. Ngày nay, Vingroup tự hào có 27 khu đô thị phức hợp và 83 trung tâm mua sắm trên khắp Việt Nam. Ông Vượng cũng nổi tiếng nhờ những quyết định kinh doanh táo bạo và xoay chuyển nhanh chóng.
Vào tháng 12 năm 2019, Vingroup đã bán chuỗi cửa hàng tiện lợi VinMart. Tháng 5 năm ngoái, Vingroup thông báo đóng cửa chi nhánh điện tử tiêu dùng VinSmart, mặc dù lúc đó đã chiếm được 17% thị trường smartphone trong nước và tiếp thị 4 mẫu điện thoại tại Mỹ thông qua AT&T. Thay vào đó, tập đoàn cho biết họ muốn “huy động mọi nguồn lực” vào VinFast.
Khi đại dịch bùng phát, cửa khẩu biên giới bị đóng và thậm chí du lịch trong nước bị cắt giảm, khu nghỉ dưỡng Vinpearl của tập đoàn trên đảo Hòn Tre đã trở thành một trung tâm kỹ thuật. Hơn một nghìn kỹ sư của VinFast và gia đình họ đã tập trung trên đảo từ tháng 5 đến tháng 10 năm 2021 để cùng nhau làm việc.
VinFast tự tin rằng họ có thể thực hiện tham vọng của mình. Bà Thủy nói: “Rất nhiều người Việt Nam tự hào về VinFast, họ muốn ủng hộ dự án và muốn chúng tôi thành công. "
Tham khảo: Time
Lấy link