Trung bình Mặt Trăng cách Trái Đất 384.400 km. Con số này có thể khiến nhiều người hoang mang, nhưng trên thực tế ở quy mô vũ trụ, khoảng cách này là tương đối nhỏ.
Mới đây, NASA đăng tải một hình ảnh được chụp bởi tàu thăm dò Lucy khi nó đang hướng về Sao Mộc, và hướng ống kính về Trái Đất.
Trong bức ảnh, có thể thấy cả Mặt Trăng và Trái Đất cùng xuất hiện trong khung hình và phát sáng rực rỡ.
Tấm hình lập tức thu hút sự chú ý của các nhà quan sát và những người yêu thiên văn, vì nó cho thấy khoảng cách trực quan nằm giữa chúng ta và Mặt Trăng là không quá lớn.
Vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất
Mặt Trăng là vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất. Với độ sáng quan sát thấy chỉ đứng sau Mặt Trời, Mặt Trăng đã được con người biết đến từ thời tiền sử.
Với những bước tiến của khoa học công nghệ, chúng ta dần biết được rằng Mặt Trăng có hình cầu, với chiều rộng bằng khoảng 27% Trái Đất và khối lượng bằng khoảng 1,23%.
Những nỗ lực thám hiểm bề mặt của Mặt Trăng cho thấy vệ tinh tự nhiên này chứa nhiều khoáng silicat và không có khí quyển, thủy quyển, hay từ quyển đáng kể.
Trong thời gian từ năm 1958, năm khởi động chương trình Luna của Liên Xô, đến những năm 1970, năm kết thúc của chương trình Apollo và cả chương trình Luna, cuộc "Chạy đua Vũ trụ giữa Liên Xô và Mỹ" đã làm tăng đáng kể mối quan tâm và sự hiểu biết của nhân loại về Mặt Trăng.
Đối với Liên Xô, sau 3 nhiệm vụ không tên thất bại năm 1958, tàu không gian từ chương trình Luna của Liên Xô đã lần đầu tiên hoàn thành sứ mệnh thoát khỏi trọng lực Trái Đất và đi qua gần Mặt Trăng với Luna 1.
Tuy nhiên phải tới năm 1966, Liên Xô mới lần đầu tiên đổ bộ "nhẹ nhàng" lên Mặt Trăng thành công với tàu vũ trụ không người lái, đồng thời mang về một số mẫu đất đá.
Đối với Mỹ, họ thậm chí còn tiến xa hơn với việc đưa phi hành đoàn đặt chân lên Mặt Trăng trong sứ mệnh Apollo 11, được thực hiện năm 1969.
Đến nay, đã có tổng cộng 12 phi hành gia từng đặt chân lên Mặt Trăng, toàn bộ là người Mỹ và nằm trong các sứ mệnh Apollo của NASA, từ Apollo 11 tới Apollo 17.
Vì sao Mặt Trăng quan trọng?
Mặt Trăng của Trái đất đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sự sống, kiểm soát thủy triều của đại dương và ảnh hưởng tới vòng đời của các sinh vật trên hành tinh của chúng ta.
Mặt Trăng cũng giúp ổn định vòng quay của Trái Đất và khí hậu. Đây được xem là "chìa khóa" cho sự sống tồn tại. Nếu như không có Mặt Trăng, Trái Đất khó lòng có được một môi trường sống lý tưởng như hiện nay.
Trong lĩnh vực khám phá vũ trụ, Mặt Trăng cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Một lợi thế lớn của Mặt Trăng đó là có thể được sử dụng làm "bàn đạp" hướng tới các hành tinh xa hơn (điển hình là Sao Hỏa) là do nó ở gần với Trái Đất.
Thông thường, một sứ mệnh bao gồm phi hành đoàn có thể đến và rời khỏi Mặt Trăng chỉ trong 3 ngày. Trong khi đó, sứ mệnh đi thẳng từ Trái Đất đến Sao Hỏa hoặc ngược lại sẽ mất ít nhất 7 tháng.
Lợi thế này cho phép các nhà khoa học tính toán được những biến số trong các chuyến bay thực tế, thay vì chỉ dựa trên những phép mô phỏng trong phòng thí nghiệm trên Trái Đất.
Theo NASA, nước được tìm thấy trên Mặt Trăng có thể không chỉ được sử dụng để duy trì sự sống cho các phi hành gia. Thay vào đó, họ sẽ thực hiện một số phương pháp để chuyển đổi chúng thành nhiên liệu tên lửa.
Nếu kế hoạch này thành công, Mặt Trăng sẽ trở thành một "trạm cung cấp nhiên liệu" cho các chuyến bay xa hơn vào vũ trụ. Nói cách khác, tên lửa được khởi hành từ Trái Đất sẽ được giảm đáng kể trọng tải cho các sứ mệnh trong tương lai.